Sau ngày đất nước thống nhất, điều kiện sản xuất, đời sống của gia đình CCB Lê Thành Nghị cùng các đồng đội, hội viên và bà con lối xóm gặp nhiều khó khăn, anh Nghị bàn với vợ con và vận động thêm anh em đồng đội, họ hàng đi xây dựng vùng kinh tế mới tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nơi mà 10 năm về trước anh đã từng sống, chiến đấu. Bến đậu của CCB Lê Thành Nghị là Nông trường cao su Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Anh và hàng chục gia đình từ ngoài Bắc vào được tiếp nhận làm công nhân đội 1, Nông trường 8 từ đó đến nay. Cùng với việc hoàn thành trách nhiệm người công nhân với nông trường, với Nhà nước, CCB Lê Thành Nghị và nhiều hộ gia đình khác còn có đất đai phát triển cây công nghiệp theo dự án và “tậu” thêm đất để trồng cao su, điều, cà phê, hồ tiêu. Với nghị lực và kinh nghiệm từng trải của “Bộ đội Cụ Hồ”, anh đã có một kho “của chìm” dưới lòng đất miền Đông Nam Bộ với cả thảy 30 ha. Anh phân chia cho 5 cặp vợ chồng con cái hơn 20 ha, số còn lại anh “chuyên canh” hai giống cây công nghiệp cho sản phẩm giá trị kinh tế cao, ổn định lâu dài là cao su và cây điều. Sau 8 năm tuổi, vườn cao su, cây điều của gia đình anh đã cho thu hoạch mùa sản phẩm đầu tiên. Từ năm 1995 đến nay, tuổi đời các cây công nghiệp càng nhiều càng cho năng suất, sản lượng lớn với hàng trăm tấn sản phẩm chất lượng cao, cho nguồn thu hiện nay mỗi năm từ 350 triệu đến gần nửa tỷ đồng.
Xin kể thêm: Gần 30 năm trở lại vùng đất miền Đông chiến trường xưa, CCB Lê Thành Nghị vẫn nêu cao tinh thần đảng viên, đảm nhận nhiều trọng trách trước tập thể: Là đội phó sản xuất, chủ tịch công đoàn và nhiều năm làm bí thư chi bộ đội sản xuất số 1. Từ năm 2000 về nghỉ hưu tại thôn Phước Thịnh, xã Bình Tân, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, anh tiếp tục tham gia công tác cấp ủy thôn, chi hội trưởng CCB, uỷ viên UB MTTQ xã, chủ tịch Hội Người cao tuổi.
Bài và ảnh: LÊ REO