**Đào hào đánh lấn ở tây Mường Thanh **
Vào đợt hai chiến dịch, đơn vị nhận nhiệm vụ đánh cứ điểm 106. Đây là cứ điểm phòng ngự kiên cố của địch ở hướng tây bắc Mường Thanh. Ngoài hỏa lực mạnh tại chỗ, chúng còn hỏa lực chi viện của các cứ điểm khác. Xung quanh cứ điểm có hàng rào kẽm gai rộng tới 200m, dưới lớp rào là bãi mìn dày đặc. Cứ điểm 106 nằm giữa cánh đồng trống trải việc mở cửa rất khó, chỉ;n chỉ có cách đào hào lấn dần dưới lớp rào, đến khoảng cách thích hợp mới mở cửa đột phá khấu.
Chúng tôi tổ chức ba mũi đào lấn dần cứ điểm vào 106 ở ba hướng khác nhau. Mũi đầu tiên đánh bộc phá và bắn mạnh vào cứ điểm để thu hút hỏa lực địch, khi nó phản ứng, anh em chui xuống hầm hàm ếch để tránh đạn. Trong khi đó, hai mũi tranh thủ đào lấn. Đầu mỗi hào đánh lấn đều có những “con cúi” lõi gỗ bện rơm, hoặc những khúc chuối rừng để ngăn đạn bắn thẳng của địch. Ba mũi cứ thế luân phiên nhau đào, làm cho quân địch phải mệt mỏi đối phó suốt nhiều đêm ở nhiều hướng. Đêm ấy, đơn vị được lệnh công kích ở cả ba hướng. Lúc đầu, địch dùng hỏa lực đối phó rất quyết liệt, sau có lẽ chúng cho rằng ta chỉ quấy rối như mọi khi nên giảm dần. Tranh thủ thời cơ, mũi gần địch nhất lao lên đánh chiếm ngay ụ súng đầu cầu, địch hốt hoảng bỏ chạy. Các mũi tiến công của ta nhất tề xung phong, nhanh chóng đánh chiếm khu trung tâm. Trận đánh chỉ hết 30 phút, ta tiêu diệt và bắt 160 tên địch.
Viên chỉ huy bị bắt sống thú nhận: “Hôm trước tưởng các ông đánh thật, các ông lại không đánh, làm cho quân lính của tôi hết sức mệt mỏi và căng thẳng. Hôm sau tưởng các ông chỉ quấy rối, ngờ đâu lại đánh thật, chúng tôi không sao đối phó kịp”.
Nửa tháng sau, đường hào lại tiến sát cứ điểm 206, gần phía tây sân bay Mường Thanh. Trên lệnh đánh tiếp cứ điểm này. Nhưng vì vừa mất cứ điểm 106, địch tăng cường phòng ngự, cứ điểm 206 lại rất gần trung tâm của địch, nếu cứ đánh theo kiểu đánh 106 sẽ rất khó khăn. Một số chiến sĩ hiến kế nên đào đường hầm xuyên qua lớp rào kẽm gai của địch, đánh theo kiểu đánh “độn thổ” của du kích trong vùng địch hậu, sáng kiến này được nhất trí ngay.
Chúng tôi đào đường hào ngầm, chiều sâu và chiều rộng có thể mang theo vũ khí tiến quân được, mặt đất nóc đường hào để dày 60-70cm, cứ một đoạn lại khoét lộ thông hơi. ánh sáng bằng pin ắc quy, phải dùng địa bàn giữ không cho chệch đường hào. Cứ hai người đào, hai người chuyển đất ra ngoài ra xa và ngụy trang kỹ. Kíp này mệt, kíp khác thay, đào liên tục ngày đêm không nghỉ. Đường hào càng vào sâu, càng khó khăn vất vả, căng thẳng với những tiếng lựu đạn, tiếng đạn súng cối của địch nổ đanh ngay trên nóc. Mỗi ngày đêm, chúng tôi đào được khoảng 50m đường ngầm như thế.
Ngày 21-4, đường hào ngầm đã luồn qua hết lớp rào kẽm gai của địch. Đồng chí Cao Văn Khánh, đại đoàn phó xuống kiểm tra, quyết định đào thêm một ngày nữa cho đường ngầm vào sát ụ súng địch, để đêm 22-4 ta sẽ đánh khi có sơn pháo tăng cường. Nhưng ngay đêm 21-4, sau khi ta bắn đạn cối phá ụ súng đầu cầu của địch, anh em ở mũi dưới hào ngầm gần nhất bỗng đội đất ngoi lên quan sát. Địch nhìn thấy, hốt hoảng bỏ chạy. Chiến sĩ ta chớp thời cơ, ném lựu đạn rồi thoát khỏi hào ngầm xung phong chiếm đầu cầu, lao vào chiếm được khu thông tin chỉ huy của địch. Các mũi khác cũng bung đất xông lên, lấy đại liên địch bắn nghi binh. Sở chỉ huy của địch mất liên lạc, nhưng thấy súng đại liên trong cứ điểm vẫn bắn, chúng cho rằng cứ điểm chưa mất, nên không cho pháo bắn vào. Ta tiêu diệt và bắt 117 tên sau hơn một giờ chiến đấu. Mãi sáng hôm sau 22-4, Đờ Cát mới biết cứ điểm 206 đã thất thủ.
Trung tướng Vũ Xuân Vinh