Tuổi thơ lam lũ
Tôi là đứa trẻ mồ côi mẹ từ rất sớm. Mẹ tôi ra đi vào một ngày trời trở rét Nàng Bân khi em tôi mới tròn ba tháng tuổi. Hôm ấy, trời đã sáng lâu rồi mà mẹ tôi vẫn nằm im trên chiếc chõng tre đặt ở trong buồng. Tôi đến bên giường nắm tay lay mẹ dậy. Thấy vậy, cha tôi liền chạy đến bên tôi nghẹn ngào trong nước mắt:
Con ơi, mẹ đã chết rồi!
Tôi òa khóc. Vừa khóc, tôi vừa chạy đến bên giường ôm lấy mẹ mà lay mà gào thét trong sự đau đớn tột cùng. Đó là ngày 29-3-1959, một mốc buồn đánh dấu cuộc đời tôi bắt đầu mồ côi mẹ. Mẹ tôi mất đi để lại cho cha tôi một mình nuôi bốn đứa con thơ trong túp lều dột nát ở xóm Bồng Châu, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Sau ngày mẹ mất, để giúp cha tôi nuôi chúng tôi khôn lớn, chị gái mẹ tôi (ở quê tôi thường gọi là dì) đã đưa em tôi và người anh thứ hai về ở với dì tại huyện Diễn Châu cách Nghĩa Đàn gần 100 cây số. Còn tôi và người anh cả thì ở với cha tôi ở huyện Nghĩa Đàn. Từ đó, bốn anh em tôi bắt đầu những tháng ngày ly tán sống xa nhau.
15 tuổi, thân hình gầy đen như que củi nhưng anh đầu của tôi tên là Nguyễn Văn Hà đã phải đi làm thuê ở thị trấn Thái Hòa cách nhà 15 cây số để kiếm kế sinh nhai. Tháng 8-1964, khi vừa tròn 18 tuổi, anh tôi tình nguyện nhập ngũ rồi đi B vào chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Sau 7 năm đi “B” bặt vô âm tín, cuối năm 1971 anh tôi đột ngột trở về với đôi chân một bên cao, một bên thấp vì bị đạn địch xuyên gãy xương đùi phải và tấm thẻ thương binh hạng 1/4. Ngày ấy, anh tôi được ở lại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh của tỉnh, nhưng cha tôi thương anh tôi thời thơ ấu đã chịu nhiều khổ cực, giờ bị thương tật nay ốm mai đau rất cần người giúp đỡ. Mặt khác, để giảm bớt khó khăn cho Nhà nước, ở nước ta thời điểm ấy đang có cuộc vận động “Đưa thương binh về địa phương nuôi dưỡng”. Hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước, cha tôi đã viết đơn xin đón anh tôi về nhà chăm sóc. Tôi còn nhớ có lần anh tôi bị lên cơn sốt rét toàn thân run lẩy bẩy, rồi tiếp theo là những trận sốt ly bì thân nhiệt lên cao do vết thương cũ tái phát... Những lúc ấy cha tôi đã thức trắng đêm để chăm sóc anh tôi. Sau này tôi biết rằng, vào cái ngày anh đầu của tôi nhập ngũ, thì ở huyện Diễn Châu, Nghệ An người anh thứ hai của tôi tên là Nguyễn Văn Châu cũng lên đường đi bộ đội.

Ngày báo tử anh tôi
Liệt sĩ Nguyễn Văn Châu, sinh năm 1948, hy sinh ngày 8-10-1968 tại Công trường “Thép Bến Thủy” T.P Vinh, tỉnh Nghệ An khi vừa tròn 20 tuổi. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, Phà Bến Thủy ở T.P Vinh, Nghệ An là một trọng điểm đánh phá rất ác liệt của không quân Mỹ.
Để hạn chế thương vong, sau khi hoàn thành nhiệm vụ lái ca nô lai dắt phà Bến Thủy chở bộ đội và hàng hóa từ hậu phương miền Bắc vượt sông Lam chi viện cho chiến trường miền Nam, những người lính công binh của đơn vị anh tôi thường trú quân sơ tán trong nhà dân dọc theo hai bên bờ sông Lam thuộc địa phận huyện Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An và huyện Nghi Xuân của tỉnh Hà Tĩnh. Vào lúc 22 giờ ngày 8-10-1968, trong khi chiếc ca nô do anh tôi cầm lái đang dắt phà chở hàng hóa từ bờ Bắc sang bờ Nam sông Lam thì máy bay địch bất ngờ ập đến đánh phá. Anh tôi và ba người đồng đội đã hy sinh trong một đêm như thế giữa mịt mù bom đạn của quân thù trút xuống phà Bến Thủy.
Sau ngày anh tôi hy sinh, vào khoảng 3 giờ chiều ngày 10-11-1968, có hai người bộ đội cùng ông Ngô Ngoạt - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đức và đại diện các đoàn thể quần chúng của xã Nghĩa Đức đột ngột đến nhà tôi với khuôn mặt buồn tênh.
Linh tính mách bảo có gì đó chẳng lành đang đến với gia đình bởi ruột gan tôi bỗng cồn cào khó tả. Thế rồi, điều dự đoán của tôi đã đúng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi buổi chiều định mệnh ấy... khi ông Ngô Ngoạt thay mặt cấp ủy và chính quyền địa phương trao cho cha tôi tờ giấy báo tử anh tôi đã hy sinh. Còn hai người bộ đội thì mở ba lô lấy ra từng di vật còn lại của anh tôi trao lại cho gia đình. Cha con tôi gào lên đau đớn.
Lễ truy điệu anh tôi được chính quyền địa phương tổ chức tại gia đình tôi một ngày sau đó. Tôi còn nhớ sau bài điếu văn của ông Ngô Ngoạt khiến mọi người rưng rưng nước mắt, ba phát súng trường K44 được bắn vào không trung để vĩnh biệt người đã khuất.
Cuộc tìm kiếm hài cốt của anh tôi sẽ chẳng phải kéo dài hơn 20 năm, nếu ngày ấy cha tôi không đốt giấy báo tử, sơ đồ mộ chí và di vật liệt sĩ của anh tôi trong lần truy điệu anh tôi vì sợ sau này bị ám ảnh mỗi khi nhìn thấy.

20 năm đi tìm hài cốt anh
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, hành trình của gia đình tôi tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Châu chính thức bắt đầu. Ngặt một nỗi, cha tôi tuổi tác đã cao, còn tôi thì còn đang tại ngũ. Vì vậy việc tìm kiếm hài cốt của anh tôi, tôi chỉ có dịp thực hiện vào những dịp đơn vị cho nghỉ phép hàng năm.
Ngày ấy, cứ mỗi lần tôi đi tìm hài cốt của anh, cha tôi lại vay của hàng xóm mấy cân gạo nếp đem về gói bánh chưng cho tôi làm lương thực mang đi ăn đường. Những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, phương tiện giao thông công cộng phục vụ cho việc đi lại của nhân dân rất khó khăn. Vì thế, với chiếc ba lô đựng đầy bánh chưng, quân tư trang, cuốn sổ tay, cây bút máy và chiếc bi đông đựng đầy nước uống, tôi cuốc bộ 15 cây số từ nhà ra bến xe thị trấn Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn xếp hàng mua vé xe về T.P Vinh. Từ bến xe T.P Vinh, tôi tiếp tục đi bộ đến các nghĩa trang T.P Vinh; các nghĩa trang huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nghệ An và huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Châu nhưng đều không thấy.
Với phương châm “dựa vào dân tối đâu ngủ đấy”, trong hành trình 20 năm đi tìm hài cốt anh trai, đến đâu tôi cũng được nhân dân tận tình giúp đỡ. Đến đâu tôi cũng đều để lại địa chỉ của mình để nếu ai tìm thấy liệt sĩ Nguyễn Văn Châu thì báo tin cho gia đình đến nhận. Duy chỉ có một điều, niềm mong mỏi tìm thấy hài cốt của anh tôi vẫn chưa thành hiện thực. Tôi không còn nhớ đã bao lần tôi dò hỏi nhân dân địa phương thông tin về liệt sĩ Nguyễn Văn Châu với niềm hy vọng mong manh chẳng khác gì mò kim đáy biển. Bỗng một ngày, tôi được một người dân ở T.P Vinh báo tin cho biết, người nhà của anh trong khi đi chăn trâu đã tìm thấy bia mộ anh tôi trên cánh đồng xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Niềm vui đến bất ngờ khiến tôi bật khóc, đó là ngày 20-7-1997.
Ngày bốc hài cốt của anh tôi để đưa về quê hương trời mưa như trút nước. Các đồng chí lãnh đạo xã Hưng Châu và gia đình tôi ngồi đứng không yên vì trời mưa mỗi lúc càng nặng hạt. Thật bất ngờ, vào lúc 2 giờ sáng ngày 21-7-1997 - cái thời khắc gia đình tôi chọn bốc mộ cho anh thì cơn mưa bỗng tạnh. Tôi cầm liềm cắt từng bụi cỏ mọc trùm lên ngôi mộ không còn nhìn rõ hình thù. Sẽ chẳng nhận biết đó là mộ anh tôi nếu không có tấm bia bằng xi măng khắc tên Liệt sĩ Nguyễn Văn Châu nằm ngang trên mặt đất bị cỏ cây che lấp. Vậy là vong linh của anh tôi đã phù hộ cho tôi tìm thấy mộ anh để đưa về quê hương sau 20 năm trời đằng đẵng.
Lúc này đây tôi bỗng nhớ cha tôi - một người cha suốt cuộc đời nhường con từ bữa ăn, giấc ngủ; một người cha sau ngày góa vợ đã ở vậy nuôi con mà không tục huyền, chỉ vì sợ các con sẽ khổ. Một người cha đã lặng lẽ thắt từng khúc ruột lần lượt tiễn đưa 4 đứa con trai lên đường nhập ngũ, để khi đất nước hòa bình đón về lại gia đình hai đứa con là thương binh, một đứa con là liệt sĩ. Tôi không thể nào quên hình ảnh cha tôi đã bao lần lặng lẽ khóc con bên bàn thờ nghi ngút khói hương những ngày giỗ trọng. Tôi thầm nghĩ, nếu Nhà nước có chủ trương phong anh hùng cho cả những người cha, thì có lẽ cha tôi rất đáng được nhận danh hiệu ấy.
Cha ơi! Lời trăng trối của cha “Phải tìm bằng được mộ anh” trước khi người nhắm mắt đã thực hiện được rồi, dưới suối vàng cha có vui không?
Khoảng cách từ huyện Hưng Nguyên đến huyện Nghĩa Đàn chỉ dài hơn 100 cây số. Vậy mà, hành trình về quê hương của anh tôi phải kéo dài tới 29 năm!? Bất chợt tôi tự hỏi, những liệt sĩ chưa tìm được hài cốt đang ẩn mình trong đại ngàn Trường Sơn, ở nước bạn Lào, ở Cam-pu-chia sẽ còn mất bao nhiêu năm nữa mới được tìm thấy để đưa về với quê hương xứ sở? Nỗi đau này là vết dao đang cứa vào da thịt của các gia đình thân nhân liệt sĩ chưa tìm được hài cốt của con. Là tiếng gọi đang thôi thúc chúng ta hãy hành động bằng cả lương tâm và trách nhiệm bởi nỗi đau này không phải của riêng ai.
Tự truyện Nguyễn Văn Á