Giàu lên nhờ đổi nghề
Khi nói đến đồ gỗ nội thất, người ta thường hay nghĩ ngay tới làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh), thế nhưng nếu bước chân vào xã Hữu Bằng thì chắc nhiều người phải choáng ngợp vì các loại đồ gỗ nội thất như bàn, ghế, giường, tủ… với đầy đủ kiểu dáng bày bán la liệt trong các cửa hàng, chạy dọc theo các con đường làng dài hàng km, sầm uất không thua gì làng Đồng Kỵ với các sản phẩm đồ gỗ nội thất từ vài ba trăm nghìn đến vài ba chục triệu, thậm chí là hàng trăm triệu đều được làm từ đây.
Theo nhiều người dân trong xã thì trước đây, Hữu Bằng chỉ là một xã thuần nông, chỉ có duy nhất nghề thêu ren, dệt lụa là nghề phụ đã có từ bao đời nay, nhưng do hiệu quả kinh tế thấp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được… Dân bỏ nghề. Một số chuyển sang học nghề mộc. Rồi người nọ truyền người kia. Các xưởng mộc mọc lên như nấm. Đồng nghĩa với bỏ nghề nông. Sản phẩm đưa vào tận Sài Gòn tiêu thụ.
Ông Phan Văn Đồng, Phó chủ tịch phụ trách văn hóa cho biết, xã có 3.600 hộ (khoảng trên 1,6 vạn dân) thì có tới 2.200 hộ có xưởng làm mộc. Những hộ còn lại do chưa đủ vốn mở xưởng thì cũng làm thuê cho các xưởng mộc thường được trả 4 triệu đồng/tháng, cũng cao hơn nhiều so với làm nghề nông. Dân ở các nơi cũng ùn ùn kéo về Hữu Bằng làm thuê.
Dân giàu xã nghèo - Rác bủa vây
Hữu Bằng bây giờ nhà tầng san sát nhau, nhà nào cũng xe hơi đắt tiền. Tuy nhiên, sự phát triển thiếu quy hoạch và sự vô ý thức của một bộ phận không nhỏ của người dân, cộng thêm sự yếu kém của chính quyền địa phương đã làm phát sinh nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội, mà đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Hệ thống giao thông yếu kém và tệ nạn xã hội ngày càng phát triển… Cả xã duy nhất chỉ có con đường nhựa dài hơn 2km, còn lại là những con hẻm sâu hun hút, chỉ xe kéo vào được. Những ngày mưa đi lại rất khó khăn vì bùn đất nhão nhoét và ổ gà chi chít. Ông Phan Văn Đồng, Phó chủ tịch UBND xã cho biết, ngày nào cũng xẩy ra ách tắc giao thông. Có hôm đi từ đình làng đến UBND xã chưa đầy 1km mà mất hơn hai giờ.
Nhức nhối nữa là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tồi tệ. Rác từ đầu làng đến cuối xã chất thành từng đống. Cứ khoảng 200m lại có một bãi rác thải rộng cả trăm mét. Rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày rất lớn nhưng không được xử lý triệt để, ô nhiễm, bụi, tiếng ồn từ làng nghề, ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn kém. Trước đây toàn xã vài chục mẫu ao hồ, nhưng do người dân lấn chiếm hết, duy nhất chỉ một cái ao Sen rộng khoảng 2000m2 ngay trước chốn linh thiêng là cổng Đình chùa Văn Chỉ xã Hữu Bằng, thế nhưng ao Sen này đã bị biến thành “ao rác thải” nhiều năm nay.
Cũng theo ông Đồng, trung bình mỗi ngày toàn xã thải ra trên 10 tấn rác, trong khi đội thu gom rác của xã chỉ có 14 người. Dù mang tiếng là xã giàu nhất huyện, toàn xã có khoảng 200 nhà có xe ô tô, thế nhưng gần 50% số hộ không chịu đóng tiền rác hàng tháng, với số tiền chỉ có 5000 đồng/hộ. Từ lâu xã cũng đã quy hoạch 1ha để xây dựng nhà máy xử lý nước, rác thải, nhưng không thể nào triển khai được vì không có kinh phí. Hiện địa phương đã ký hợp đồng thu gom rác với một công ty môi trường tại huyện Từ Liêm, nhưng như “muối bỏ bể”. Những đống rác vẫn cao ngất ngưởng như những đống rạ, nước thải chảy lênh láng khắp đường, thậm chí chảy cả vào nhà.
Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thất thì trong 6 tháng đầu năm 2011, số lượng rác thải được vận chuyển đi chỉ hơn 1.1000 tấn, trong khi chỉ riêng tại xã Hữu Bằng mỗi ngày đã phát sinh hơn 10 tấn rác thải. Hiện nay nhà máy xử lý nước thải và các điểm tập kết rác thải của huyện cũng đang chỉ nằm trên giấy.
Thiết nghĩ việc phát triển làng nghề, đem lại việc làm và thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương là rất quan trọng, thế nhưng để phát triển một cách bền vững và hài hòa, đảm bảo cho môi trường sống trong lành thì cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của huyện Thạch Thất và các ngành chức năng để tạo bước chuyển biến mới, có như vậy thì làng nghề mới không phải đánh đổi một cái giá quá đắt về môi trường như hiện nay.
Quốc Hưng
Vì sự phát triển quá “nóng” của Hữu Bằng, nên cơ sở hạ tầng không đáp được