Một điểm khai thác titan lậu.
Chứng kiến cảnh tượng đó, tôi thốt lên: Lạ thật. Đã có "hải tặc", "lâm tặc", "vàng tặc", "cát tặc"..., nay lại thêm "ti-tan tặc"!
Bình Thuận là địa phương khô hạn nhất cả nước. Trong khi khai thác ti-tan lại cần rất nhiều nước. Được biết, trong khi 5 doanh nghiệp khai thác ti-tan xin phép khai thác mỗi ngày phải dùng 39.000m3 nước để tuyển quặng, trong khi kết quả điều tra khảo sát nước ngầm ven biển Bình Thuận chỉ có thể khai thác tối đa 28.000m3/ngày đêm, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân và một số lĩnh vực thiết yếu.
Biết vậy, nên từ năm 2016, Bình Thuận đã cho dừng (có người nói là cấm) các dự án khai thác ti-tan. Nhưng cứ như “nhà Đài” đưa tin thì "cấm" là chuyện của tỉnh, còn doanh nghiệp không những không dừng mà còn mở rộng diện tích khai thác. Hài hước và trớ trêu ở chỗ là mỗi khi đoàn đến kiểm tra thì doanh nghiệp đều biết trước, cho công nhân nghỉ chơi, máy nghỉ bơm; khi “ông” kiểm tra về, công trường lại "rộn tiếng máy bơm"!
Ba doanh nghiệp đang khai thác hơn 1.000 héc-ta cát ven biển chứ phải đâu là một vài đạo chích móc túi trên xe buts mà các nhà chức trách không thấy?
Lạ nhỉ. Chỉ dân thấy, còn "quan" thanh kiểm tra thì một mực không. Nghe nói, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép cho 8 doanh nghiệp khai thác ti-tan ở Bình Thuận với tổng diện tích trên 2.500 héc-ta – có phải đây là một trong những nguyên nhân góp phần hủy hoại môi trường và làm cạn kiệt nguồn nước ở Bình Thuận? Lại cũng nghe nói, Bình Thuận đang lập Dự án dự trữ nước ngọt trị giá trên 1.000 tỷ đồng trình Chính phủ..., mới thấy sự đời thật trớ trêu!
Ngẫm mấy tuần nay dân tình chua chát nói rằng Bình mà không Thuận cũng là điều không thể không suy ngẫm!
Nguyễn Duy