Hiện nay, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công, chiếm gần 10% dân số. Trong đó có trên 1,5 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng của Nhà nước. Trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, song kinh phí để thực hiện các chính sách ưu đãi người có công vẫn tăng dần hằng năm: Năm 2012 là 25.285 tỷ đồng, năm 2014 là 32.390 tỷ đồng và năm 2015 khoảng 33.500 tỷ đồng. Kết quả bước đầu của cuộc Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng (trong 2 năm 2014-2015) cho thấy, số đối tượng được hưởng đúng và đủ chính sách là 1.982.769 người (chiếm tỷ lệ 95,75%) số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người (chiếm 4,16%) và chỉ có 1.872 người (chiếm 0,09%) thuộc đối tượng hưởng sai chính sách. Kết quả này khẳng định trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với người có công và việc thực hiện chính sách đối với người có công về cơ bản là đúng đối tượng, đủ chính sách và kịp thời về thời gian.
Cùng với vai trò chủ đạo của Nhà nước, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã động viên được tiềm năng to lớn của cộng đồng. Từ những hành động “hiếu nghĩa bác ái” và phong trào “Mùa đông binh sĩ” trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám đến những vườn cây, ao cá, thửa ruộng, con gà, hũ gạo... nghĩa tình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bước vào thời kỳ đổi mới, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ đã phát triển thành 5 chương trình (Nhà tình nghĩa Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, sổ tiết kiệm tình nghĩa chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi phụng dưỡng Bà mẹ VNAH). Nhờ đó, người có công đã được chăm sóc tốt hơn về vật chất và tinh thần. Đến nay, đã có 96% số hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình nơi cư trú. Đặc biệt, trong những năm qua, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” gần 1.500 tỷ đồng, xây mới trên 55.600 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 39.000 ngôi nhà với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong công tác chăm sóc người có công vẫn còn những hạn chế nhất định: Mức chuẩn để tính trợ cấp còn thấp so với nhu cầu thực tiễn đời sống xã hội của người có công đã được quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; một số chính sách ưu đãi, như hỗ trợ nhà ở, việc làm cho người có công còn chưa đáp ứng được nhu cầu; việc tìm kiếm và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin chưa đáp ứng được mong mỏi của thân nhân liệt sĩ; một bộ phận nhỏ người có công vẫn chưa được xác nhận và thụ hưởng các chế độ ưu đãi…
Phát huy kết quả đã có được, khắc phục những bất cập còn tồn tại, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất bổ sung, sửa đổi, bảo đảm cho các chính sách luôn phù hợp với điều kiện mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khắc phục những vấn đề bất hợp lý, bảo đảm tính thống nhất của chính sách và quá trình tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng.
Bài và ảnh: Mai Anh