Đến trường học trực tiếp sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện hơn.

Sau thời gian dài học trực tuyến, nhiều địa phương trên cả nước đã cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Công tác phòng, chống dịch được các nhà trường chú trọng, với mục tiêu bảo đảm an toàn cho học sinh ở mức cao nhất.

Nhiều phương án đón học sinh đến trường

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại Hà Nội, từ ngày 21-3, hầu hết các trường THCS và THPT trên địa bàn đã cho học sinh (trừ lớp 6) trở lại trường học trực tiếp. Một số trường có tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp khá cao như các trường: Marie Curie (94%), Lômônôxốp (90%), Chu Văn An (trên 80%)… Ông Nguyễn Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS chất lượng cao Chu Văn An (quận Long Biên) cho biết: Số học sinh đến trường học trực tiếp tăng cao từng ngày, trong thời gian tới nếu số lượng học sinh đi học ổn định sẽ thực hiện học bán trú.

Chị Nguyễn Phương Thanh, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, phụ huynh có con đang học lớp 7 tại Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết: “Việc học trực tuyến nhiều ảnh hưởng đến tâm sinh lý, làm giảm sự hào hứng, tiếp thu kém, hiệu quả không cao, cả phụ huynh và giáo viên đều khá vất vả. Nên đến trường học tập trung được là tốt nhất. Hơn nữa, học sinh là F0 hiện nay đã nhiều, ở nhà các cháu có thể lây từ bố mẹ hoặc nhiều nguồn khác. Tôi thấy đa phần trẻ mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ, nên không quá lo lắng”.

Ở cấp đại học, nhiều trường thông báo cho sinh viên học trực tiếp. Cụ thể, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông quyết định tổ chức cho sinh viên học tập trung tại trường từ ngày 4-4 với các lớp khoá 2018, 2021, còn các lớp khoá 2019, 2022, học tại trường từ ngày 12-4. Tương tự, Học viện Ngoại giao thông báo cho sinh viên học trực tiếp từ ngày 4-4. Học viên lưu ý: trong quá trình học tập trung, sinh viên cần tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan chức năng và bộ phận y tế của Học viện về công tác phòng, chống Covid-19. Trong khi đó, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội quyết định cho sinh viên quay trở lại trường học trực tiếp theo hình thức phân theo các khóa, ngành.

Tại tỉnh Nghệ An, Sở GDĐT Nghệ An có văn bản hướng dẫn về kế hoạch dạy học của tỉnh trong giai đoạn mới. Tỉnh Phú Thọ, Sở GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện đảm bảo việc dạy học trực tiếp an toàn, hiệu quả. Các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế, nghiên cứu, xem xét có thể ưu tiên bố trí dạy học trực tiếp cho học sinh trên cơ sở thống nhất với giáo viên, phụ huynh học sinh và báo cáo xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền trên tinh thần phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Tỉnh Tuyên Quang, UBND tỉnh đồng ý cho học sinh từ lớp 7 đến 12, học viên giáo dục thường xuyên tiếp tục học trực tiếp, hoặc trực tuyến linh hoạt theo phương án của Sở GDĐT.

Tại tỉnh Hà Giang, từ ngày 21-3, trẻ em mầm non và học sinh tiểu học, THCS, THPT đã học trực tiếp. Tương tự, tại tỉnh Bắc Ninh, căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương, nhà trường cho học sinh đi học trực tiếp từ ngày 21-3. Khi tổ chức dạy học trực tiếp, các trường sẽ chỉ dạy học 1 ca vào buổi sáng. Tỉnh Đắk Lắk gửi văn bản yêu cầu các trường tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 9 và lớp 12 từ ngày 21-3, nhằm nâng cao năng lực cho học sinh cuối cấp chuẩn bị thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Bảo đảm an toàn cho học sinh

Ngày 28-3, tại cuộc họp bàn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Thường trực Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Đinh Tiến Dũng yêu cầu bảo đảm sẵn sàng phương án, tổ chức diễn tập tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 12 tuổi, để khi có thuốc, có phác đồ là triển khai tiêm nhanh, hiệu quả như đợt tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi hồi năm 2021. Việc tiêm vắc-xin sẽ giúp trẻ an toàn khi đến trường, nếu có nhiễm SARS-CoV-2 thì cũng nhẹ và giảm thiểu rủi ro.

PGS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khẳng định việc cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết. Phần lớn trẻ em nhiễm Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ, nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học. Nếu ở trường làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà.

Bác sĩ Trần Đình Huy - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cũng cho rằng, Hà Nội trải qua đỉnh dịch Covid-19, số ca mắc đang giảm dần mỗi ngày. Việc các em ở nhà hay tới trường đều chịu những nguy cơ dịch bệnh như nhau, trừ khi các bé bị “giam lỏng“ ở nhà hoàn toàn. Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2021-2022 thành phố có gần 129.000 học sinh lớp 1. Nếu tính cả cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT và đại học thì có hàng triệu học sinh, sinh viên đang phải học ở nhà do dịch Covid-19.

BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Thường trực Liên chi hội truyền nhiễm T.P Hồ Chí Minh cho rằng: Hà Nội nên học kinh nghiệm mở cửa trường học của T.P Hồ Chí Minh. Thứ nhất, lượng trẻ từng là F0 ở Hà Nội rất lớn, gần như nếu trong gia đình có người mắc Covid-19 thì trẻ cũng mắc. Thứ hai, trẻ mắc bệnh do biến thể Omicron thường có triệu chứng rất nhẹ và nhanh hồi phục. Thứ ba, việc xử lý các trường hợp F0 xuất hiện trong nhà trường cũng rất đơn giản. Học trực tiếp sẽ giúp học sinh tập trung, tiếp thu tốt, hiệu quả hơn.

Chúng ta cần xác định khi cho trẻ đến trường, trong lớp vẫn sẽ xuất hiện F0 mới. Do đó, các trường có thể chia lớp học thành nhóm nhỏ, nếu xuất hiện ca mắc thì việc xử lý gói gọn trong nhóm đó. Nhà trường cần chuẩn bị các tình huống để xử lý nếu xuất hiện F0 trong trường học. Cách xử lý đơn giản nhất là cho F0 đó nghỉ học, tự cách ly đến khi khỏi, lớp học vẫn được tổ chức bình thường. Giống như bệnh cúm mùa, các trường vẫn khuyến cáo không cho trẻ bị sốt hoặc có các dấu hiệu bệnh dễ lây lan đến trường như tay chân miệng, quai bị.

Võ Hóa