Tôi may mắn đước sống và làm việc cùng Đại tướng Nguyễn Quyết trong nhiều năm, đặc biệt là trong thời gian Đại tướng đã nghỉ công tác nên có nhiều kỷ niệm sâu sắc về Đại tướng. Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng tác phong làm việc và trao đổi của ông vẫn như những ngày còn đang trên cương vị công tác, say sưa và gay gắt, cụ thể và kiên nghị. Đại tướng nói: “Nguyễn Trãi nói: Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Với cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã dạy: “Khó trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đại tướng khẳng định đây là động lực và niềm tin của Đại tướng trong xây dựng cơ sở từ không thành có, từ yếu thành mạnh, yếu tố quyết định là lòng dân .

Đại tướng đã vận dụng sáng tạo những lời nói của các bậc tiền nhân vào công việc cụ thể, đây là nhân tố quyết định trong lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, đến Nam tiến, là tấm gương đi đầu trong kháng chiến, là hình mẫu về xây dựng quân đội chủ lực và địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sang thời kỳ đất nước đổi mới, chống diễn biến hoà bình, chống phá hoại, lật đổ, vấn đề cốt tử mà Đại tướng quan tâm là lo cho hạnh phúc của nhân dân. Chính vì vậy ở đâu ông cũng động viên nhân dân, quân đội tham gia các phong trào: công tác dân vận khéo, cơ sở mạnh, giải pháp đúng thì thành công về nhiều mặt. Trong quá trình tham gia cách mạng của Đại tướng, từ trải nghiệm sâu sắc ông nghĩ, tất cả suy nghĩ hành động đều phải đặt lợi ích cho nhân dân, lo cho dân ăn đủ, ngủ yên. Trong quân đội thực hiện tốt ba chức năng: đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất. Đẩy mạnh các phong trào lao động sản xuất từng vùng, từng miền, tuỳ điều kiện đơn vị mà xây dựng phong trào cho thích hợp, tạo mọi điều kiện cho các hình thức kinh tế phát triển. Phát huy cao độ tính sáng tạo của quần chúng, hoà quyện chặt chẽ với các phong trào để đạt được mục đích là xây dựng quân đội mạnh, làm ra nhiều của cải và giành chiến thắng.

Thời kỳ là Tư lệnh Quân khu 3, sau đó là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng đã chăm lo việc phát triển kinh tế và cải thiện việc ăn ở cho cán bộ. Thế nhưng vẫn có những đồng chí chưa ủng hộ, phê phán là “làm kinh tế gia đình là đi con đường tư bản chủ nghĩa, lo nhà cửa cho cán bộ, nhân viên là mị dân”.

Xuất phát từ tư tưởng và sáng tạo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chủ động không bị bất ngờ trong mọi tình huống, từ năm 1976 đến năm 1986, với cương vị là Chính uỷ rồi Chính uỷ kiêm Tư lệnh Quân khu 3, Đại tướng vẫn kiên định lập trường nhân rộng các điển hình kinh tế, tập trung trọng điểm ở các đơn vị có điều kiện như: vươn ra biển làm giàu đánh thắng, kinh tế kết hợp với quốc phòng, kinh tế từng người từng nhà, một mặt vẫn giữ vững đường lối của Đảng, nguyên tắc chỉ đạo của Chính phủ, mặt khác động viên toàn dân xây dựng thế trận lòng dân, chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, nâng cao cảnh giác, chống mọi khuynh hướng xa rời đường lối, hoài nghi, tiêu cực cho làm kinh tế là việc nhỏ, quân đội chỉ đánh thắng, muốn làm tốt tư tưởng cán bộ thì yếu tố quan trọng là phải chăm lo chính sách về nhà cửa cho cán bộ, công nhân viên, tạo điều kiện cho cán bộ chăm lo cho nhau, Nhà nước và nhân dân cùng làm, hạnh phúc chỉ đến khi mọi ngành, mọi cấp đều chung sức, chung lòng giúp đỡ khó khăn.

Trong chỉ đạo, Đại tướng nói: “Không cào bằng, không có vùng cấm vùng riêng cán bộ các cấp, điều kiện đơn vị, kinh tế địa phương mà chăm lo cho cán bộ hợp tình hợp lý, bằng mọi cách cố gắng mọi cán bộ công nhân viên dù là cô quét rác cũng được hưởng chính sách”. Ông bức xúc nói: “Trong chiến tranh mỗi cán bộ, chiến sĩ chỉ có một cái hầm, nay hoà bình lập lại nếu không giải quyết nhà cửa cho cán bộ, công nhân viên thì anh em ở trên trời à?”. Đại tướng đã cùng các đơn vị trong Quân khu 3, các địa phương đẩy mạnh phong trào làm giàu đánh thắng, động viên mọi đơn vị và địa phương xây dựng 5 hình thức kinh tế cho đơn vị mình đạt hiêu quả gắn kinh tế với quốc phòng, đẩy mạnh mũi nhọn kinh tế gia đình là động lực quyết định nhanh xoá đói giảm nghèo trong địa bàn Quân khu 3.

Năm 1986, Đại tướng là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, là người đứng đầu trong công tác đảng, công tác chính trị trong toàn quân. Thời gian này công tác đảng, công tác chính trị trong cơ quan và bao việc quan trọng khác, vấn đề chính sách nhà cửa cũng gặp khó khăn, chính sách cho cán bộ còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được. Vốn đã có trải nghiệm và thành công ở Quân khu 3, ông đã đề xuất với Thường vụ Quân uỷ T.Ư ra Nghị quyết 47 lịch sử. Từ nghị quyết này mà phong trào làm kinh tế trong quân đội phát triển mạnh mẽ như: Vươn ra biển Đông làm giàu đánh thắng, cả nước vì Trường Sa, xây dựng kinh tế vùng biển đảo gắn với an ninh và chủ quyền, xã hội hoá kinh tế gia đình, kinh tế địa phương, đẩy mạnh kinh tế quốc phòng; kết hợp chặt chẽ các ngành, các cấp và xã hội để chăm lo cho chính sách cho cán bộ, nhân viên như hỗ trợ đất, vật liệu xây dựng, sắt, xi-măng, gạch ngói, than, công lao động, tùy điều kiện đơn vị hay địa phương mà giải quyết cho cán bộ công nhân viên được hưởng chính sách của Đảng và quân đội.

Thời gian này ở Tổng cục Chính trị nói riêng và toàn quân nói chung đều khó khăn về nhà đất và hộ khẩu cho cán bộ, công nhân viên, phá bỏ tư tưởng dân không làm lính, quan trẻ muốn ra, quan già ở lại Nghị quyết 47 là một thành công lớn trong công tác xây dựng Đảng và hiệu quả lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng và Chính phủ trong giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ. Đại tướng tâm sự cùng người vợ thuỷ chung là bà Hoàng Mai: Đồng đội của ông nhiều người đã mất, ông thương đồng đội và chưa lo cho đồng đội, cả cuộc đời ông đã hy sinh và chỉ lo cho hạnh phức của mọi người, nhưng với ông có lúc cũng bị hiểu nhầm, bị đe dọa tính mạng.

Những năm tháng cuối đời, Đại tướng Nguyễn Quyết ở trong một căn nhà cấp cho đại tá. Buồn vì người vợ đã ra đi để lại một khoảng trống không gì có thể bù đắp được, song ông vẫn miệt mài nghiên cứu và sinh hoạt như bao cán bộ trong khu tập thể. Mặc dù tuổi đã cao nhưng Đại tướng Nguyễn Quyết vẫn rất minh mẫn, tiếp tục có những ý kiến sâu sắc đóng góp cho Đảng, cho quân đội.

PXB