Thương binh Lê Văn Đệ (Hải Dương) tặng 4,5 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19.
“Chống dịch như chống giặc” là lời hiệu triệu của Đảng và Nhà nước ta tới toàn dân trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Cùng với mọi tầng lớp nhân dân, hưởng ứng lời hiệu triệu này là đông đảo các cựu chiến binh.
Đây là những người đã từng đứng ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại giặc ngoại xâm. Nhiều người là thương binh, trên mình vẫn còn mang thương tích. Một lần nữa họ lại xông lên phía trước trong cuộc chiến chống lại giặc Covid.
Mang tính biểu tượng sâu sắc là đóng góp của cựu chiến binh, hai lần Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm tại Lễ ra mắt Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 tối ngày 6-6-2021. Ông và Công ty Golf Long Thành, nơi ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã đóng góp 500 tỷ đồng cho Quỹ. Đây là số tiền đóng góp lớn nhất tại sự kiện này.
Quỹ Vắc-xin là một phần quan trọng của sự điều chỉnh chiến lược từ phòng ngự sang phản công chống lại đại dịch Covid-19. Phòng ngự nghĩa là truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Chiến lược này đã giúp đất nước ta khống chế thành công dịch Covid-19 và duy trì mức tăng trưởng dương cho nền kinh tế. Tuy nhiên, khi đại dịch tiếp tục bùng phát ở các nước láng giềng và trên toàn cầu, thì nước ta không khỏi trở thành vùng trũng cho virus tràn vào.
Trong một thế giới toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, cách ly đất nước triệt để khỏi mọi tác động của bên ngoài là gần như không thể. Chính vì vậy, truy vết, khoanh vùng, dập dịch cần được xem là chiến lược "câu giờ" để chờ vắc-xin hơn là chiến lược có thể giúp chúng ta giành phần thắng trong cuộc chiến.
Quan trọng là phải tấn công để đẩy lùi đại dịch Covid-19. Tấn công là đẩy mạnh tiêm chủng để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Muốn tiên chủng phải có vắc-xin. Muốn có vắc-xin thì phải có tiền. Khi ngân sách Nhà nước còn khó khăn, thì đóng góp cho Quỹ chính là góp phần để tấn công kẻ thù.
Mặc dù, xứng đáng được nghỉ ngơi, thư giãn, vì đã cống hiến tuổi xuân, sức lực, thậm chí xương máu trong các cuộc chiến giành độc lập, hòa bình cho đất nước, nhưng các cựu chiến binh đã không đứng ở tuyến sau. Nhiều cựu chiến binh - thương binh, đặc biệt là các doanh nhân - cựu chiến binh lại đang đi ở tuyến đầu trong cuộc tấn công chống lại dịch Covid-19.
Có thể kể ra đây đóng góp của rất nhiều các cựu chiến binh khác cho cuộc chiến chống lại dịchi Covid-19. Cựu chiến binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương đã cùng Tập đoàn đóng góp đến 10 tỷ đồng. Cựu chiến binh, thương binh Lê Văn Đệ ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đóng góp 4,5 tỷ đồng. Cựu chiến binh, thương binh 97 tuổi ở xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà tĩnh đóng góp 10 triệu đồng...
Sự dấn thân của các cựu chiến binh trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 nói với chúng ta ra rất nhiều điều.
Trước hết, sự dấn thân của ngày hôm nay chỉ là một sự tiếp nối. Các cựu chiến binh của chúng ta đã dấn thân và tận hiến trong cuộc chiến bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ sinh mạng và tài sản của nhân dân. Điều này đã trở thành truyền thống. Mỗi khi sự an yên của đất nước bị đe dọa, những người lính năm xưa-những cựu chiến binh bây giờ lại sẵn sàng “nhập ngũ”. Họ sẵn sàng cống hiến sức lực và tài sản của mình cho sự nghiệp chung của đất nước.
Nhiều cựu chiến binh không chỉ tài giỏi trong chiến đấu, mà còn tài giỏi trong xây dựng hòa bình và trong việc làm kinh tế. Do làm kinh tế giỏi, lại có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, nên họ mới có điều kiện để chi những khoản đóng rất lớn cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Những cựu chiến binh này không chỉ đóng góp cho đất nước để chống dịch, mà còn trực tiếp chăm lo bảo vệ sức khỏe cho những người lao động trong doanh nghiệp mình. Họ tham gia chống dịch từ những việc lớn như đóng góp cho Quỹ Vắc-xin quốc gia, đến những việc cụ thể như xác lập các quy chuẩn phòng, chống dịch trong đơn vị, cung cấp khẩu trang, nước sát khuẩn cho những nhân viên và những người lao động.
Đồng thời, các cựu chiến binh đã tiếp sức cho cuộc chiến chống dịch không chỉ bằng sự đóng góp, mà còn bằng chính sự nêu gương. Là những người đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của mình, đã đóng góp xương máu để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ Quốc, các cựu chiến binh hoàn toàn xứng đáng được nghỉ ngơi, được tĩnh dưỡng, được chăm sóc. Thế nhưng, họ lại từ chối một sự ưu tiên, ưu đãi như vậy, mà vươn lên đứng ở tuyến đầu trong xây dựng hòa bình, cũng như trong phòng, chống dịch.
Tấm gương của họ chính là lời kêu gọi có sức thuyết phục to lớn đối với xã hội.
Sự chung tay đóng góp vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của người dân, doanh nghiệp, trong đó có những cán bộ lão thành cách mạng, thương binh, bệnh binh lúc này thật quý báu và ý nghĩa, không chỉ giảm áp lực và chia sẻ với ngân sách Nhà nước mà còn tạo nên sức mạnh vật chất, tinh thần để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Có những người chỉ ủng hộ 20.000 đồng, có người ủng hộ 1 triệu đồng..., mỗi đóng góp, dù là nhỏ bé nhưng xuất phát từ tình cảm của rất nhiều thương binh, bệnh binh, mặc dù sức khỏe yếu, hoàn cảnh khó khăn... “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” - một đồng tiền ủng hộ, kịp thời, đúng lúc là rất quý giá.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng