CCB Phùng Xuân Nghị cắt tỉa, làm đẹp cho cây cảnh.
Trước mặt tôi là cựu binh, cựu tù Phú Quốc nổi tiếng, một thương binh hạng 2/4, bên ngôi nhà khang trang mới xây, ông khoe do tích lũy từ làm kinh tế vườn mà có. Ông là Phùng Xuân Nghị, sinh trưởng tại xã Hữu Văn (Chương Mỹ, Hà Nội). Mặc dù thân hình ông nhỏ bé, đến nỗi chiếc áo bộ đội do một phóng viên tặng, tuy ông đã "cắm thùng" mà vẫn có vẻ rộng thùng thình, nhưng đôi mắt ông nhanh nhẹn, với nụ cười lúc nào cũng nở trên môi.
Kể chuyện chiến đấu giữa cái chết và sự sống, ông vẫn pha chút hài hước, hóm hỉnh. Chiến tranh lùi dần vào dĩ vãng, về với cuộc sống đời thường, vết thương theo năm tháng cũng mờ dần, nhưng với biệt danh như nổi lên: "Vua tăng gia", nào gà thịt có tới 700 con, chim bồ câu 200 con, vườn cây ăn trái… trĩu quả, ông bộc bạch: Muốn tìm "đầu ra" cho đàn gà ở nội thành để tăng thu nhập, bởi giá trong quê nghe đâu chênh nhau với ngoài đó tới những 20.000 đồng. Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới phải xóa được đói, giảm được nghèo, dân càng thêm tin yêu!
Năm 1966, vào độ tuổi 17, ông Nghị viết đơn xung phong đi bộ đội; sau 3 tháng huấn luyện ở Nho Quan, Ninh Bình, cùng đơn vị hành quân vào chiến trường và được biên chế thuộc c50, d406 Đặc công Quân khu 5. Trong một trận đánh đêm dịp Tết Mậu Thân 1968 vào một căn cứ quân Mỹ ở thị xã Quảng Ngãi, ông bị thương vào phổi. Lúc bị thương, ông còn nhớ máu phun ra có nhiều bọt, tiếng kêu phì phì khi thở. Sau đó, ông ngất lịm đi, đến khi tỉnh dậy mới biết mình bị địch bắt. Mặc dù bị địch tra khảo, đánh đập rất dã man, ông cắn răng chịu đựng không khai những bí mật quân sự. Là lính đặc công lúc đột nhập căn cứ địch, ông chỉ mặc quần đùi, trên người bôi nhọ nhem, đầu đội mũ vải, vũ khí có súng AK báng gập, thủ pháo… Địch hỏi: "Sao mặc vậy ?". Ông bảo: "Là lính vận tải khi chiến đấu quần áo bay mất lúc nào cũng không hay, người nhọ là do những chất bẩn bám vào". Tên là Phùng Xuân Nghị, quê Hà Tây, nhưng khi nói với địch là: Nguyễn Văn Nghị, quê Thanh Hóa (đề phòng địch rải truyền đơn ra Bắc). Chúng truyền huyết thanh cho ông, theo dây dẫn ở tay; khi địch ra ngoài, ông rút dây truyền cho vào miệng thấy ngọt ngọt, người tỉnh dần, vào tầm chiều hôm đó, ông đang lơ mơ thì nghe loáng thoáng tiếng phụ nữ (đoán là vợ quân ngụy): "Ông Thiệu bảo Việt cộng 7 người đu cành đu đủ không gãy, người thì đầy lông, có đuôi, hôm nay trông họ trẻ và béo tốt thế này, xạo quá!"…
Sau nhiều lần chuyển ông từ nhà giam ở Đà Nẵng cho đến Biên Hòa, năm 1971, địch đày ông cùng nhiều đồng đội ra nhà tù Phú Quốc. Từ năm 1971 tới 1973, ông bị giam với hơn 700 tù cách mạng ở phân khu D9, mỗi phòng giam có từ 90 tới hơn 100 người. Tình cảnh chiến sĩ ta bị địch tra tấn dã man và luôn bị cắt khẩu phần ăn, một tuần được tắm một lần. Tổ chức Chi bộ nhà tù quyết định đấu tranh chọn biện pháp tuyệt thực hòng gây sức ép để chúng đáp ứng những yêu cầu của ta. “Quân lệnh như sơn", khu D9 thực hiện nghiêm quyết định đấu tranh của cấp trên; được khoảng 1 tuần, nhiều chiến sĩ bị đói, lại bị thương, nên lả đi, nhưng địch vẫn chưa đáp ứng những yêu sách của ta. Chúng dùng sự khắc nghiệt của nhà tù để làm suy kiệt sức khỏe của bộ đội ta, không dừng lại ở đó, địch còn "cấy" chiêu hồi vào nội bộ của ta để lấy tin tức, xem có biểu hiện chống đối, vượt ngục... Trường hợp phát hiện có nội gián, Chi bộ ra quyết định diệt chiêu hồi bằng cách xử tử những tên đó!
Không chịu bó tay, tổ chức chuyển phương pháp đấu tranh cao hơn là tù binh hy sinh thân mình bằng cách tự rạch bụng. Tuy không phải là đảng viên, ông Nghị đã xung phong làm việc này và được tổ chức chấp thuận. Vào sáng hôm sau, ông đứng lên cùng các anh em vạch trần tội ác của địch với chiến sĩ cách mạng đang bị tù đày ở Phú Quốc, theo "kịch bản" ông dùng con dao được chuẩn bị làm từ cán chiếc ăng-gô được mài sắc. Sau khi rạch bụng, ông ngất đi và được đồng đội đưa về trại, kiên quyết không cho địch đưa ông đi bệnh xá, bởi sợ thủ tiêu. Trước thái độ kiên quyết đấu tranh của tù nhân, địch phải nhượng bộ. Chiều hôm ấy, địch cho gọi người đại diện của cách mạng đến thỏa hiệp và chấp nhận yêu sách.
Thực hiện Hiệp định Pari, năm 1973, ông Nghị cùng 150 anh em thương binh ở Phú Quốc được trao trả bên bờ sông Thạch Hãn, Quảng Trị, trong vòng tay vui sướng của đồng đội và nhân dân. "Chúng tôi cứ ôm lấy nhau vừa khóc, vừa cười, vừa mừng. Cái ngày đó thật khó quên…” - ông Nghị xúc động bộc bạch.
Sau những tháng được đi an dưỡng trên đất Bắc lấy lại sức khỏe, năm 1974, ông xuất ngũ về địa phương xây dưng gia đình. Vợ chồng ông sinh được 8 người con (1 trai, 7 gái). Hỏi sao lại "mắn thế"? Ông chỉ cười mà nói: "Để gỡ, truy lĩnh chiến tranh mà. Mừng là các cháu bây giờ ai cũng trưởng thành có nhà riêng, làm ăn khấm khá, không chịu khoanh tay trước cuộc sống khó khăn”.
Bây giờ, ông có nguồn thu nhập khá ổn định; hằng năm, ông xuất ra thị trường từ 600 đến hơn 1000kg gà thịt; khoảng 3 tháng lại xuất một lứa chim bồ câu; đem nguồn thu cho gia đình khoảng trên 600 triệu đồng. Tuy sức yếu, tuổi cao, nhưng ông vẫn được bà con trong xã tín nhiệm bầu làm Phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp.
Cựu tù Phú Quốc, CCB Phùng Xuân Nghị được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Giải phóng, Huân chương Kháng chiến và nhiều danh hiệu cao quý khác. Tấm gương của ông Nghị luôn vươn lên để chiến thắng bản thân mình đem lại cách làm hay cho địa phương, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ đổi mới.
Bài, ảnh: Nguyễn Văn Thể