

Giữa thời bình, CCB - những người từng vào sinh ra tử nơi chiến trường lại có lúc trở thành nạn nhân âm thầm của hàng giả, hàng kém chất lượng, mà điển hình là mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi. Không phải do các bác nhẹ dạ, mà bởi sự cả tin và niềm tin vào nghĩa tình đồng đội đã bị những kẻ buôn gian lợi dụng một cách trắng trợn. Vụ sữa giả trị giá 500 tỷ đồng vừa bị triệt phá gần đây là hồi chuông cảnh báo…
Tin nhau mà “dính bẫy”
Ông Trần Đăng H., 73 tuổi, là CCB ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), được bạn cũ trong Hội CCB giới thiệu mua 6 hộp sữa “hàng xách tay Mỹ” với giá rẻ gần một nửa. Uống được vài ngày, ông thấy người khó chịu, đi ngoài liên tục. Khi con cháu kiểm tra bao bì, nhãn mác, không thấy có mã truy xuất nguồn gốc, sản phẩm không phù hợp với người cao tuổi.
“Anh em bảo nhau ủng hộ cho con cháu làm ăn. Thật không ngờ lại bị lừa đau như thế. Mà cũng chẳng nỡ trách bạn mình, vì chính họ cũng bị người khác qua mặt,” - ông H. chia sẻ.
Tình huống như ông H. không hề hiếm. Rất nhiều CCB là nạn nhân “hữu danh vô hình” của hàng giả, nhưng họ không lên tiếng - vì xấu hổ, vì ngại ồn ào, vì không biết phản ánh với ai.
Theo khảo sát thực tế, có ít nhất 5 hình thức phổ biến khiến CCB dễ bị “sập bẫy” sữa giả. Một là, lợi dụng hội nhóm đồng ngũ để quảng cáo trá hình, mượn danh con cháu cán bộ, bộ đội, bán hàng kèm mác “tình nghĩa”, “nội bộ”. Hai là, tổ chức hội thảo “chăm sóc sức khỏe người cao tuổi” ở xã, thôn, rồi mời chào mua sữa với chiêu trò tặng quà, giảm giá đặc biệt. Ba là, bán hàng qua livestream, Zalo, Facebook cá nhân, sử dụng hình ảnh bác sĩ, quân nhân giả mạo để tạo lòng tin. Bốn là, lừa gạt bằng mô hình “mua dùng thử - chia sẻ - nhận hoa hồng”, biến CCB thành người tiếp tay bất đắc dĩ cho hàng giả. Năm là, đánh vào tâm lý sính ngoại, tin tưởng “hàng xách tay, hàng chuẩn Mỹ”, nhưng thực chất chỉ là sữa sang chiết lậu, pha bột, hàm lượng sữa kém - rẻ tiền, dán nhãn giả…
CCB cần được bảo vệ
Trong câu chuyện này, CCB không yếu thế về ý chí, nhưng dễ trở thành đối tượng bị lừa vì tin tưởng, vì thiếu công cụ kiểm tra và vì vẫn còn giữ niềm tin vào sự tử tế. Đó là điều khiến chúng ta càng thêm trăn trở.
Những chiêu trò dụ CCB tham gia các buổi tham quan nhà máy sản xuất sữa rồi quảng bá, bán hàng trá hình dưới hình thức khuyến mại như Báo CCB Việt Nam năm 2020 đã từng có bài viết phanh phui về vụ Công ty CP Tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Newzealand là một minh chứng.
Trong thư mời các Hội CCB huyện, thị… ở nhiều tỉnh, thành, doanh nghiệp này đưa ra thông tin để mời các CCB tham quan dây chuyền sản xuất công nghệ sữa dinh dưỡng quốc tế Newzealand đặt tại xóm Hạnh Phúc, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình với nội dung: “Nhằm tri ân khách hàng đã dùng sản phẩm và biết về nhãn hàng sữa Newzealand, Công ty tổ chức chuyên đi tham quan Nhà máy sản xuất sữa công nghệ cao… Sau chuyến thăm nhà máy, sẽ có chương trình giao lưu văn nghệ và được chia sẻ, cảm nhận về kiến thức hiểu biết sữa dinh dưỡng và các dòng sữa khác của nhà máy”...
Đúng là thời buổi của gian thương! Năm 2020, là cao điểm của dịch Covid -19 nhưng không hiểu bằng cách nào Công ty CP Tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Newzealand vẫn có thể mời chào hàng nghìn CCB đến tham quan Nhà máy mỗi ngày và mua sản phẩm?
Vì vậy, cần phải nhìn rõ: “Nếu để những người từng cầm súng bảo vệ Tổ quốc bị lừa trong thời bình bởi những lon sữa giả, thì không chỉ họ tổn thương - mà cả xã hội cũng phải thấy xấu hổ.”
Để bảo vệ CCB trước vấn nạn sữa giả, trước hết cần tuyên truyền thường xuyên trong các buổi sinh hoạt Hội, cung cấp kỹ năng nhận biết sữa giả, cách kiểm tra mã vạch, mã QR.
Kết nối với cơ quan quản lý thị trường, y tế địa phương để mở lớp tập huấn nhỏ, hướng dẫn nhận diện hàng chính hãng, tiếp nhận phản ánh.
Đồng thời thiết lập “đường dây nóng hội viên”để hội viên báo tin, phản ánh lừa đảo, qua đó giúp tổ chức Hội chủ động phối hợp với chính quyền.
Phát huy vai trò “tai mắt” của CCB tại địa phương, để ngăn chặn từ xa các hội thảo trá hình, các nhóm bán hàng giả đội lốt nghĩa tình.
“Bài học xương máu” cho thời bình là không thể để những người từng chiến đấu giữ đất nước lại phải mua phải sữa giả để sống tiếp những năm tháng cuối đời. Đó là một nghịch lý, và là một trách nhiệm không thể né tránh.
Giữ gìn danh dự người CCB không chỉ bằng lời ca, mà phải bằng những việc làm cụ thể - như bảo vệ họ khỏi những bẫy lừa trong đời thường!
Diệp Minh