Khu nuôi tôm công nghệ cao của Cựu chiến binh Tăng Văn Xúa (67 tuổi) ở ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng)

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trong những năm qua, các thế hệ cựu chiến binh tích cực phát triển kinh tế, giúp đỡ vốn, kỹ thuật và giải quyết việc làm cho người dân và đồng đội để ngày càng có nhiều hộ thoát cảnh nghèo khó.

Cũng với tinh thần của người lính Cụ Hồ trong thời kỳ xây dựng đất nước, Cựu chiến binh Tăng Văn Xúa (67 tuổi) ở ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) thành viên Chi hội CLB CCB sản xuất kinh doanh giỏi TX. Vĩnh Châu, dám nghĩ, dám làm, không chùn bước trước khó khăn, vươn lên thành công. Với 6ha diện tích đất đầu tư nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, mỗi năm ông có thu nhập vài tỷ đồng.

Để có được thành công đó, Cựu chiến binh Tăng Văn Xúa đã quyết tâm bám trụ nghề nuôi tôm, liên tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong từng thời điểm khác nhau. Đến khi chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao, ông mới thật sự nắm bắt được thành công và vững niềm tin để tiếp tục phát triển hơn nữa.

Cựu chiến binh Tăng Văn Xúa nhớ lại: “Từ nhiều năm trước, tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm. Tuy nhiên, cũng như nhiều khác gặp rất nhiều khó khăn do kinh nghiệm nuôi tôm chưa nhiều, thời tiết không thuận lợi, tôm thường bị chết với số lượng lớn. Với niềm đam mê nuôi tôm và quyết tâm cao độ, ông vẫn bám trụ vào nghề nuôi tôm”.

Nếu như theo cách nuôi tôm truyền thống như trước đây, 1ha đất sẽ có 2 ao nuôi, mỗi ao khoảng 4 ngàn mét vuông mặt nước. Diện tích còn lại là ao lắng xử lý nước, tuy có thể thả tôm với mật độ dày nhưng hiệu quả không cao. “Với cách nuôi tôm công nghệ cao, 1ha đất chỉ nuôi khoảng 1.500m2 mặt nước. Phần diện tích còn lại làm ao ương và ao xử lý nước. Cách làm này có thể thả tôm với mật độ cao dày đặc, rồi liên tục thay đổi nguồn nước sạch nên tôm lớn nhanh, ít bệnh, cho năng suất cao, tăng hơn 3 lần so với thả nuôi theo cách truyền thống…” – ông Xúa chia sẻ.

Ông Tăng Văn Xúa (bìa phải) trao đổi mô hình nuôi tôm công nghệ cao với Phó Ban kinh tế TW Hội CCB Việt Nam đồng chí Phạm Bá Yến, trong chuyến công tác ở tỉnh Sóc Trăng.

Để thực hiện mô hình này, ông đã đầu tư khoảng 700 triệu cho hai ao nuôi có diện tích 1.500 m2/ao, bao gồm thiết kế hệ thống xi – phông, lót bạt, đường ống cấp oxy, quạt nước và dây chuyền cho tôm ăn, xử lý nước...Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ thực hiện qua 2 giai đoạn là ương và nuôi thương phẩm. Mỗi giai đoạn, tôm được nuôi trong một ao phù hợp, tôm sẽ được di chuyển từ ao này sang ao khác theo dòng chảy tự nhiên sau mỗi giai đoạn phát triển, nhờ đó tôm không bị sốc nước.

Với 2 ao đầu tư hệ thống lót bạt năm đầu tiên ông thả nuôi 03 vụ điều thắng lợi thu về lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. Thấy mô hình hiệu quả, ông Xúa tiếp tục thực hiện cho những năm tiếp theo. Đến nay, sau hơn 7 năm nuôi theo mô hình nuôi tôm công nghệ cao, năm nào ông Xúa cũng trúng mùa, trung bình mỗi năm lợi nhuận thu được nuôi tôm từ 1,2 –1,5 tỷ đồng.

Cựu chiến binh Tăng Văn Xúa (bìa phải), ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, TX. Vĩnh Châu) bên ao nuôi tôm công nghệ cao.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tôm công nghệ cao, ông Tăng Văn Xúa nói: “Để thành công trong nuôi tôm sú hay tôm thẻ chân trắng thì phải chịu bỏ vốn đầu tư, sẽ hạn chế rủi ro. Hơn nữa, đây là xu thế tất yếu trong nuôi trồng thủy sản hiện đại. Đặc biệt, nuôi tôm theo quy trình tiên tiến nên chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, không dùng kháng sinh nên cho sản phẩm tôm sạch, nâng cao năng suất và chất lượng. Từ đó, được rất nhiều thương lái tranh nhau thu mua”.

Với những kiến thức và thành công từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ông Xúa hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho 10 hộ cùng làm theo. Hiện nay, diện tích nuôi vừa tôm sú và thẻ chân trắng công nghệ cao của gia đình Cựu chiến binh này lên đến 6ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 37 tấn tôm, với giá bán trung bình khoảng 100.000 đồng/kg, mỗi năm Xúa có thu nhập trên sáu tỷ đồng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ông đã giúp cho 25 lao động có việc làm với thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng, giúp đỡ cho 15 lượt hộ hội viên CCB, CQD và hộ dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ngoài nuôi tôm, gia đình Cựu chiến binh Xúa đã mở thêm 01 cửa hàng kinh doanh thức ăn, thuốc thủy sản chăn nuôi thủy sản, vừa sử dụng cho gia đình, vừa cung cấp hỗ trợ cho bà con nuôi tôm ở địa phương. Khi bà con khó khăn về vốn, ông Xúa sẵn sàng hỗ trợ, cung cấp tôm giống, bán nợ thức ăn lãi xuất thấp, khi nào người nuôi thu hoạch mới thanh toán tiền thức ăn và thuốc thủy sản. . Ngoài ra, ông Xúa còn đóng góp sửa chữa cầu, lộ nông thôn trị giá hơn 35 triệu đồng, xây dựng 4 cầu nông thôn trị giá 1 tỷ 200 triệu đồng...

Ông Hồ Long Thành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TX. Vĩnh Châu  đánh giá, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” không chỉ giúp các hội viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế, mà qua đó, còn khơi dậy sự đoàn kết, gắn bó tình đồng chí, đồng đội. Đây cũng là động lực để cán bộ, hội viên cựu chiến binh phấn đấu, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, được cấp ủy đảng, chính quyền tín nhiệm.

Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế và có nhiều đóng góp cho cộng đồng xã hội, năm 2022, Cựu chiến binh Tăng Văn Xúa vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

                                                                 PHƯƠNG NGHI