Bàn giao nhà tình nghĩa cho CCB Nguyễn Văn Sơn - Tổ 31, phường Hoà An, quận Cẩm Lệ

Giúp nhau phát triển sản xuất, xóa nhà xuống cấp, nhà tạm, nâng cao đời sống của hội viên là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội ở quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng). Các cấp Hội từ quận đến phường đã triển khai nhiều giải pháp đem lại hiệu quả thiết thực.

         Những năm gần đây, gia đình CCB Nguyễn Văn Sơn, tổ 31, phường Hoà An đã an cư lạc nghiệp trong ngôi nhà mới. Ông Sơn trước đây từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, xuất ngũ trở về quê, ông làm nghề cửa sắt và lập gia đình. Tuy nhiên, công việc hết sức bấp bênh, thu nhập không ổn đinh, vợ ông thì rửa bát thuê cho các quán ăn. Ngôi nhà gia đình ông đang sống vốn thấp hơn mặt cống thoát nước gần 1 mét, tường xây không có móng kiên cố nên bị rạn nứt, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Mùa mưa thì ngập nước, mái tôn mục nát. Trước hoàn cảnh đó, hội CCB quận đã trích kinh phí Hội, đồng thời vận động các mạnh thường quân hỗ trợ gia đình ông số tiền 75 triệu đồng. Anh em đồng đội cùng với sự góp sức của đoàn viên thanh niên phường giúp ông tôn tạo nền đất mới và xây nên ngôi nhà khá khang trang, vững chắc. Ngày về ở nhà mới, CCB Nguyễn Văn Sơn hết sức xúc động, bày tỏ cảm xúc của mình: “Nếu không có Hội, không có đồng đội giúp sức thì ngôi nhà như thế nầy cũng chỉ có trong mơ của vợ chồng tôi”. Đây chỉ là 1 trong biết bao công việc nghĩa tình của Hội CCB Cẩm Lệ đối với đồng đội của mình trong hơn 5 năm qua.

         Ông Ngô Tuôi, Chủ tịch Hội CCB quận Cẩm Lệ cho hay, đầu năm 2014 toàn Hội CCB quận còn 31 hội viên nghèo, 27 hội viên có nhà xuống cấp, 1 hội viên không có đất, nhà ở và còn trên 40% hội viên có mức sống trung bình và khó khăn. Con số này là sự trăn trở của Hội CCB các cấp trên địa bàn. “Trong 5 năm qua, các cấp Hội trên địa bàn quận đã đưa ra nhiều giải pháp giúp nhau phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho cán bộ và hội viên, như: phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, các ngành, Ngân hàng chính sách xã hội khảo sát, gặp gỡ, đối thoại với những hội viên nghèo, cận nghèo, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng…để từ đó đưa ra giải pháp hỗ trợ phù hợp”.

Hội đã phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn cho hội viên về phát triển kinh tế gia đình, kỷ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, cách thức vay vốn. Bên cạnh việc vay vốn ưu đãi, trong nội bộ Hội đã xây dựng quỹ đồng đội trên 3 tỷ đồng, cho hội viên vay không lãi . Nhờ đó, đã có hàng trăm hội viên mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề, nhất là các hội viên vùng có dự án phải giải tỏa, di dời. Trên địa bàn quận đã thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp CCB, là nơi để hội viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hội viên và con em của họ. Cũng chính từ phong trào giúp nhau làm kinh tế  đã xuất hiện hàng trăm mô hình kinh tế trong sản xuất nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống, thương mại dịch vụ...Các trang trại, doanh nghiệp do hội viên CCB làm chủ có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, doanh thu ngày càng tăng.

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp, hằng năm, toàn hội nâng số hội viên làm ăn khá giàu lên 5,1%, tăng trên 15% so với năm 2014. Đến nay toàn Hội đã cơ bản xóa nhà  xuống cấp và hộ hội viên nghèo.

Trong 5 năm qua, Hội đã vận động hội viên đóng góp các loại quỹ trên 320 triệu đồng, giúp đỡ hộ dân nghèo, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em nghèo hiếu học, giúp đỡ đồng đội lúc khó khăn, hoạn nạn…Tất cả hành động và tấm lòng của cựu chiến binh quận Cẩm Lệ đã góp phần cùng địa phương thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội trên từng địa bàn.

Có thể nói, ở bất cứ thôn xóm hoặc khu dân cư nào trên địa bàn quận Cẩm Lệ, hình ảnh người CCB cũng luôn tỏa sáng, luôn xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” và niềm tin yêu của nhân dân.

Thái Hồng Hạnh