
Đại biểu Hội CCB Việt Nam báo công tại Đền Hùng.
(Tiếp theo kỳ trước)
Bài 2: Vũ khí của cựu chiến binh chiến đấu với “giặc nội xâm”
Nếu như trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, Bộ đội Cụ Hồ sử dụng các vũ khí được trang bị và lấy được của địch như: Giáo, mác, lưỡi lê, súng tiểu liên, trung liên, đại liên, xe tăng, tàu chiến, tên lửa, máy bay... thì trong cuộc chiến đấu chống “giặc nội xâm”, vũ khí của các cựu chiến binh (CCB) thường sử dụng là các hình thức giám sát, gửi thư đơn tố giác, báo chí...
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ của CCB
Điều này được quy định trong Pháp lệnh Cựu chiến binh (Pháp lệnh số 27/2005/PL-UBTVQH11 ngày 7-10-2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng và cũng là vũ khí để các CCB tham gia cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Điều 11 của Pháp lệnh này nêu rõ 7 nhiệm vụ của Hội CCB Việt Nam, trong đó có nhiệm vụ số 1 là: “Tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ XHCN; đấu tranh chống mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch; chống các quan điểm sai trái với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội; giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật”.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó, CCB, với uy tín và kinh nghiệm sống, thường đóng vai trò nòng cốt trong các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, phát hiện và tố cáo những hành vi sai trái.
Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây (2019-2024), đã có hơn 15.000 CCB tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, trong đó có 2.345 trường hợp phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực .
Theo đánh giá của Thượng tướng Bế Xuân Trường - Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, những năm qua, thực hiện chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về giám sát và phản biện xã hội, T.Ư Hội CCB Việt Nam đã triển khai hiệu quả nhiệm vụ giám sát trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Các nội dung giám sát bao gồm việc thực hiện chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; các kế hoạch, chương trình dự án phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở T.Ư ban hành.
6 tháng đầu năm 2025, tổ chức Hội CCB các cấp đã chủ trì giám sát và tham gia các đoàn giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người dân gặp khó khăn theo sự chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp; thực hiện chăm lo Tết cho người nghèo và việc gọi công dân nhập ngũ. Tính đến nay, cả nước có hơn 5.000 tổ giám sát của CCB hoạt động hiệu quả tại các địa phương. Điển hình như mô hình “CCB giám sát đầu tư cộng đồng” tại tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện nhiều sai phạm trong các dự án xây dựng Nông thôn mới.
Tại Nghệ An, Hội CCB của tỉnh đã thành lập được 45 Câu lạc bộ “CCB với công tác phòng, chống tham nhũng” ở các xã, phường. Các CLB tổ chức được 235 buổi tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giám sát cán bộ, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch ở cơ sở. Điển hình là CLB CCB xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc cũ) đã phối hợp với Thanh tra tỉnh phát hiện và xử lý vụ việc sai phạm trong quản lý đất đai tại địa phương.
Báo chí - “Vũ khí lợi hại của các CCB”
Trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhiều CCB đã sử dụng báo chí như là một loại vũ khí lợi hại. Họ vừa lên tiếng lên án mạnh mẽ lợi ích nhóm, sân sau, lên án các hành vi kết bè, kết cánh, đục nước béo cò của cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn. Họ là tác giả của nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, vừa góp phần tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vừa chống tham nhũng, suy thoái trong Đảng, trong bộ máy nhà nước... Tiêu biểu như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Trung tướng Lưu Phước Lượng, Thiếu tướng Hoàng Kiền, Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt ...
Những bài viết của các CCB này không chỉ đăng trên báo chí mà còn được lan truyền trên mạng xã hội, có sức ảnh hưởng mạnh đối với công chúng, có tác động lan tỏa mạnh và có hiệu ứng xã hội cao, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc chiến đấu chống “giặc nội xâm”. Từ các tác phẩm đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước đã điều tra, làm rõ những sai phạm và xử lý nhiều cán bộ tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt có nhiều CCB là nhà báo đang công tác ở các cơ quan báo chí - truyền thông không ngại khó khăn, gian khổ, cần mẫn sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Có thể kể đến Đại tá Nguyễn Hòa Văn - nguyên Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng kiêm Tổng biên tập Báo Biên phòng. Sau khi rời quân ngũ, ông đã viết hàng chục tác phẩm báo chí có chất lượng cao về chủ đề nói trên, thu hút lượng bạn đọc rất lớn. 4 loạt bài của ông đã được vinh danh tại Giải báo chí Quốc gia, Giải Búa liềm vàng và Giải Báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đó là các tác phẩm: “Chống được “chạy” sẽ thành công”; “Binh pháp chống giặc nội xâm”; “Hóa giải những nghịch lý, ngang trái trên con đường đã chọn”; “Thời cuộc và lòng yêu nước”. Gần đây, Đại tá Nguyễn Hòa Văn tiếp tục có những loạt bài về phòng, chống lãng phí, tiêu cực trên Báo CCB Việt Nam được dư luận đánh giá cao.
CCB, nhà báo Nguyễn Văn Bắc - nguyên Trưởng ban Xây dựng Đảng Báo Nhân Dân, đã có hàng loạt tác phẩm chính luận kiến giải nhiều vấn đề về xây dựng Đảng. Trong đó có nhiều tác phẩm xuất sắc, như loạt bài “Bài học sâu sắc về công tác cán bộ qua vụ Trịnh Xuân Thanh” đã được vinh danh Giải A tại Giải Báo chí quốc gia và Giải Búa liềm Vàng năm 2017.
Ngày 7-7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tổ chức Phiên họp thứ 28. Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu trong thời gian tới công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải được tăng cường đồng bộ với quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp và phải làm quyết liệt ngay từ khi bắt đầu vận hành để góp phần xây dựng bộ máy chính quyền địa phương thực sự liêm chính, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Phải phát huy vai trò và tính chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và sự giám sát của nhân dân để phòng ngừa tham nhũng ngay từ cơ sở. Đặc biệt phát huy tính tự giác, tự nguyện, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
(Còn nữa)
Đỗ Phú Thọ