Đường giao thông nông thôn ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì.
Trở về cuộc sống thời bình, nhằm gìn giữ và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, các cựu chiến binh (CCB) huyện Ba Vì (TP Hà Nội) đã chung tay góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp, hăng hái tham gia Phong trào "Hội CCB chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM)".
Hiến đất để làm đường
Dẫn chúng tôi đi trên con đường liên tỉnh tại thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, ông Nguyễn Văn Mễ, Chủ tịch hội CCB huyện Ba Vì chỉ tay về phía xa xa, nói rằng, những con đường nhỏ sẽ khó được mở rộng, những mảnh đất cằn cỗi sẽ khó được nâng cấp, nếu như các hộ dân trong huyện không tình nguyện hiến đất, góp tiền, góp công. Ban đầu, quá trình này gặp không ít khó khăn bởi những hộ gia đình vừa dựng cổng, xây tường bao kiên cố lại phải đập cổng, phá tường khi mở rộng đường nên họ đã phản đối. Khi ấy, Hội CCB huyện Ba Vì đã đi vận động, “gõ cửa” từng nhà, có gia đình phải đi tới 6 lần. Thế rồi bằng những lý lẽ, việc làm thiết thực, nhiều người dân cuối cùng đã hiểu và ủng hộ tham gia đóng góp xây dựng NTM.
Nhận thấy nguồn kinh phí đầu tư cho xây dựng NTM còn hạn chế, ông Ngô Văn Cẩm, Chi hội phó hội CCB, kiêm Chi hội trưởng nông dân, Trưởng xóm Nam, thôn Phú Phong, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì đã vận động bà con cũng như các doanh nghiệp đóng góp gần 400 triệu đồng. Với số tiền này, xóm Nam đã có một con đường bê tông dài 580m, thoáng đãng, sạch sẽ.
Xã Minh Quang có địa bàn rộng nhưng có nhiều đoạn đường gồ ghề, mưa lầy, nắng bụi. Thấy rõ lợi ích của việc xây dựng công trình giao thông nông thôn, CCB Đinh Công Ly đã tình nguyện hiến hơn 1.200m2 đất, CCB Nguyễn Văn Đệ vốn là thương binh hạng 3/4 cũng xung phong hiến 500m2 đất để làm đường liên xã. Huyện Ba Vì còn có nhiều hội viên khác đến từ các chi hội CCB thuộc các xã, như: Ba Trại, Sơn Đà, Tản Hồng... luôn phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực hưởng ứng phong trào hiến đất. Kết quả, toàn bộ hội viên Hội CCB huyện Ba Vì đã tự nguyện hiến 271.859m2 đất nông nghiệp, 36.567m2 đất thổ cư; đóng góp 106.043 ngày công; tham gia tu sửa, thi công hơn 350km đường giao thông liên thôn, xã, hơn 300km kênh mương nội đồng...
Trước đây, nhắc đến các xã miền núi huyện Ba Vì là nhắc đến bức tranh về sự gian khó, trăm bề thiếu thốn. Đó là những ngôi nhà tạm bợ, những cánh đồng xơ xác vì mất mùa, những con đường khúc khuỷu, khi mưa thì lầy lội, khi nắng thì bụi mịt mù. Nhưng Ba Vì hôm nay đã có nhiều đổi khác, với những con đường tấp nập xe qua lại, những ngôi nhà mới kiên cố, những hàng quán, cửa hiệu mọc lên san sát. Bên cạnh những con đường liên xã thông thoáng là những cánh đồng bạt ngàn như một thảm lụa xanh. Một cơn gió thoảng qua mang theo hương lúa, cùng với mùi nhựa đường mới rải, tất cả tạo nên một bức tranh về sự khang trang, đủ đầy.
Chung tay phát triển kinh tế-xã hội
Hội CCB huyện Ba Vì xác định xây dựng NTM đồng nghĩa phải quan tâm đến việc phát triển kinh tế-xã hội, tạo thu nhập cho người dân. Các buổi tập huấn cho các hội viên về áp dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi nhanh chóng được hội phối hợp tổ chức cùng các đơn vị khác. Một trong những mô hình chăn nuôi hiệu quả cao phải kể đến trang trại chăn nuôi bò sữa của gia đình CCB Nguyễn Xuân Khanh (xã Phú Châu), cho thu nhập 1-1,2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều hộ dân khác trong huyện. Bên cạnh đó, hội còn có những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực như: Xóa nhà dột nát, tặng bò sinh sản... được người dân huyện Ba Vì hưởng ứng nhiệt tình.
Để xây dựng NTM một cách hiệu quả, Hội CCB huyện Ba Vì đi học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương đã “cán đích” NTM như huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), huyện Hải Hậu (Nam Định)... từ đó chỉ đạo các cơ sở hội làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia xây dựng NTM thông qua các buổi sinh hoạt. Ngoài ra, để duy trì nếp sống văn hóa khu dân cư, giữ vững an ninh trật tự; hằng năm, thường trực Hội CCB huyện đều tham gia Ban chỉ đạo xây dựng NTM để tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát. Hội CCB huyện Ba Vì xác định xây dựng NTM phải gắn liền với bảo vệ môi trường; muốn vậy, phải thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số. Hội đã đến từng nhà, tuyên truyền, vận động người dân thay đổi các phong tục tập quán lạc hậu, di dời nhà từ lưng chừng núi xuống nơi ở mới, đưa chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm nhà sàn... Những đóng góp trên đã góp phần tạo nên thành công của quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Tính đến cuối năm 2020, huyện Ba Vì có 23 xã trong tổng số 30 xã “cán đích” NTM. Ông Nguyễn Văn Mễ cho biết: Thời gian tới, Hội CCB huyện Ba Vì sẽ tiếp tục gương mẫu tham gia các phong trào thi đua, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời tuyên truyền người dân cùng xây dựng quê hương Ba Vì ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bài và ảnh: MAI THU HƯƠNG