Thành lập quân đoàn chủ lực, chuẩn bị cho cuộc tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975.
Đầu năm 1965, Trung đoàn bộ binh Ngô Gia Tự thuộc Sư đoàn 320B được tăng cường cho Đoàn 559, hành quân từ Hà Bắc vào tham gia mở đường 20 Quyết Thắng. Sau khi hoàn thành mở Đường 20, Trung đoàn tiếp tục cơ động mở tiếp Đường B45, từ La Hạp (Lào) qua rừng thông Sê Pôn, ngầm A Túc, trọng điểm động Con Tiên, dốc Con Mèo, vào sân bay A Lưới, sân bay A Sầu là những địa bàn mới giải phóng phía Tây tỉnh Thừa Thiên. Đường B45 dài khoảng 100km.
Đường B45 vừa mở xong thì một trận mưa lũ lớn cuốn trôi hầu hết cầu, cống. Ta-luy sụt lở. Một trận mưa mà sức tàn phá hơn cả B.52 ném bom rải thảm. Bảo đảm cho chiến trường Thừa Thiên là mệnh lệnh lúc này. Trung đoàn phải tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt. Tiểu đoàn 5 - mũi chủ công của Trung đoàn làm việc không kể ngày đêm, quyết thông đường trước một chiến dịch lớn. Sau 5 ngày đêm thì đường thông. Những chuyến xe lại tiếp tục lăn bánh chuyển hàng, chuyển quân vượt các trọng điểm động Con Tiên, dốc Con Mèo vào phục vụ chiến dịch tiến công Huế. Phát hiện ta chuẩn bị mở chiến dịch, địch tập trung máy bay B.52 và máy bay chiến thuật đánh phá các trọng điểm, nhằm chặn tuyến đường mới mở.
Chập tối ngày 5-4-1967, bốn tốp máy bay B.52 ném bom rải thảm từ km39 đến km43, ngần Sê Pôn, kéo dài vào phía trong Đường B45. Toàn bộ đường dây thông tin 0743 bị phá hủy, hoàn toàn mất liên lạc từ Tiểu đoàn đến các đại đội và các trạm ba-ri-e trên Đường B45. Thượng úy Nguyễn Văn Trạch - Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 5 rời hầm trú ẩn, ra mặt đường trực tiếp chỉ huy các đơn vị. Loạt bom thứ hai rơi trúng mặt đường ở km43. Các hầm hàm ếch phía ta-luy dương bị phá hủy, không còn hầm cho bộ đội tránh bom. Qua ánh sáng bom nổ, thấy một hầm hàm ếch ngay tại km43; đúng lúc đó có hai cán bộ cấp cao của Bộ Tư lệnh 559 đi kiểm tra tuyến, Nguyễn Văn Trạch kịp thời đẩy cả hai cán bộ vào hầm, còn mình chắn ngoài cửa. Loạt bom thứ ba làm anh bị thương và hất anh văng khỏi cửa hầm. Vết thương quá nặng. Ngay lập tức, đồng đội sơ cứu và đưa anh về tuyến sau.
Biết người nhường hầm cứu sống mình đã bị thương nặng, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tư lệnh Đoàn 559 và đồng chí Nguyễn Lang (sau này là Phó tư lệnh Đoàn 559) lấy ngay phần sâm được cung cấp của mình để đồng chí Trạch ngậm, giữ sức vượt qua ngầm Sê Pôn về đến được Bệnh xá Rừng thông. Nhưng vì vết thương quá nặng, đồng chí Nguyễn Văn Trạch đã hy sinh. Trước khi vĩnh biệt đồng đội, anh còn dặn lại: Quê anh ở xóm 2, xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Vợ anh là Phạm Thị Mười. Các con là Hữu, Ái, Tình. Sau ngày đất nước hết chiến tranh, đồng đội trở về Bắc, nhớ đến thăm gia đình anh... Nguyễn Văn Trạch mất vào sáng ngày 7-4-1967. Năm đó, anh 31 tuổi.
Vì sự sống của con đường, Nguyễn Văn Trạch rời hầm trú ẩn, ra trọng điểm trực tiếp chỉ huy đơn vị cứu người, cứu xe, cứu đường. Khi địch đánh bom, anh lại nhường hầm cứu hai cán bộ cao cấp, nhận cái chết về mình. Hành động của Nguyễn Văn Trạch để lại niềm kính phục và tiếc thương của đồng chí, đồng đội.
47 năm sau ngày Nguyễn Văn Trạch hy sinh, ngày 5-10-2014, đại diện Trung đoàn 4 Ngô Gia Tự mới đến thăm được gia đình chị Phạm Thị Mười. Gia đình và đồng đội cũ thật xúc động khi nghe đồng chí Hoàng Đăng Kính - chiến sĩ liên lạc ngày đó của Tiểu đoàn kể lại sự hy sinh vô cùng quả cảm của đồng chí Nguyễn Văn Trạch.
Mọi người càng xúc động hơn khi kỷ vật còn lại của liệt sĩ vẻn vẹn chỉ là tấm giấy báo tử của Chỉ huy Binh trạm 2 Đoàn 559 gửi về báo tin cho gia đình và một trang nhật ký anh nhận xét về một cán bộ thuộc quyền của mình, ngày 4-11-1966 trên Đường 20 Quyết Thắng.
Hoàng Văn Hợi (Bắc Ninh)