Trường Sơn ngày ấy

Chị Thanh người Nam Định. Bố và mẹ chị đều là cán bộ thời kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Mẹ chị là thương binh. Phát huy truyền thống của gia đình, năm 1973, khi mới 17 tuổi, Trần Thị Thanh đã xung phong nhập ngũ, là chiến sĩ Tiểu đoàn 2 bộ đội gái Nam Hà. Đơn vị của chị được điều động vào tham gia mở đường, bảo đảm giao thông trên tuyến chi viện Trường Sơn.

Những ngày tham gia mở đường ở Trường Sơn, từ cắt cỏ, san đường, đến nổ mìn phá núi…, các chị đều thao tác bởi những dụng cụ thô sơ, như dao, liềm, choòng, xà beng… Những bàn tay con gái mềm mại, búp măng dần dần chai sạn. Khi mở đường qua địa hình núi non hiểm trở, có chị phải treo mình trên vách đá cheo leo để khoan đá, tra thuốc nổ. Có trường hợp dây đứt, chị em rơi từ trên cao xuống, bị hy sinh. Trường hợp đau lòng trong đơn vị là chị Tầm, khi dùng thuốc nổ đánh đá làm đường, vị dây cháy chậm quá ngắn, không kịp chạy ra khỏi giới hạn nguy hiểm, chị đã bị mù hai mắt...

Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, Chủ tịch Cu Ba, Phiđen Castrô sang thăm Việt Nam, có chi viện cho bộ đội Trường Sơn một số phương tiện cơ giới để làm đường, nhưng cơ bản bộ đội, TNXP vẫn sử dụng sức người là chính. Chị em lao động vất vả, hiểm nguy, trên bom dưới đạn, ăn uống kham khổ, áo quần thiếu thốn; khí hậu Trường Sơn lại vô cùng nghiệt ngã, bất tiện cho sinh hoạt của phụ nữ... nhưng mọi người vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ; gắn bó, thương yêu nhau như ruột thịt.

Sau một thời gian tham gia trực tiếp mở đường, bảo đảm giao thông, chị Thanh được điều về bộ phận hậu cần, lo cơm ăn, nước uống cho đơn vị. Nhờ nhanh nhẹn, khéo léo quan hệ với bà con dân bản, được dân cho rau, sắn, ngô... hậu phương miền Bắc chi viện lương thực, thực phẩm, trong đó có đỗ tương, nên chị có điều kiện chế biến, cải thiện bữa ăn cho đơn vị. Chị còn dùng màn cá nhân của mình làm lưới để bắt cá trên sông Ba Lòng, cải thiện cho bộ đội...

Ấm tình đồng đội

Năm 1999, Ban Liên lạc nữ Trường Sơn được thành lập, gồm một số chị em một thời chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở Trường Sơn. Nay may mắn trở về với đời thường, có chị lành lặn, nhưng có chị là thương binh nặng, có chị là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin; nhiều chị chịu cảnh cô đơn, không chồng, không con... Là Chủ nhiệm CLB Nữ Trường Sơn, Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh Nam Định, chị Thanh tích cực vận động các doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Từ ngày thành lập đến nay, CLB đã vận động quyên góp xây dựng được trên 30 nhà tình nghĩa, sắm hàng chục chiếc xe lăn dành tặng hội viên; mỗi năm, CLB vận động, tặng 30-60 suất quà cho các CCB có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam... Chị còn vận động doanh nhân, thương binh Trần Mạnh Lưu bỏ vốn xây dựng trại nấm rơm tại thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tạo việc làm, thu nhập cho 30 nữ CCB, cựu TNXP Trường Sơn...

Năm 2010, lũ lụt gây thiệt hại nặng cho nhân dân miền Trung, Ban Liên lạc CLB nữ Trường Sơn đã kêu gọi các nữ CCB Trường Sơn và các nhà hảo tâm ủng hộ nạn nhân bão lũ 500 suất quà, trị giá 300 triệu đồng. Nữ CCB Trường Sơn tỉnh Nam Định còn tổ chức quyên góp 500 suất quà (500.000 đồng/suất) tặng nhân dân vùng Khe Sanh - Hướng Hóa, Quảng Trị từng cưu mang, giúp đỡ bộ đội trong chiến tranh; tổ chức cho chị em thăm lại chiến trường xưa, viếng nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Đường 9, di tích Ngã ba Đồng Lộc…; đưa gia đình liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng (huyện Ý Yên) về Khe Sanh tìm mộ liệt sĩ.

Cùng với vận động quyên góp vật chất để giúp đỡ các đối tượng chính sách, chị Thanh còn mở cửa hàng kinh doanh để bảo đảm đời sống gia đình, đồng thời tạo nguồn để hoạt động xã hội, thiện nguyện. Chị tâm sự: “So với nhiều chị em, tôi là người may mắn vì còn có hạnh phúc được làm vợ, làm mẹ. Vì vậy, còn có sức ngày nào là Ban Liên lạc cố gắng hoạt động nghĩa tình, để bù đắp phần nào mất mát, hy sinh của đồng đội”.

Đồng chí Bùi Ngọc Lại - Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Nam Định tâm sự: “Chị Thanh xứng đáng nữ CCB gương mẫu tiêu biểu, một cán bộ Hội năng động, tâm huyết, trách nhiệm vì đồng đội, vì phong trào; góp phần làm rạng danh cho con cháu Bà Trưng, Bà Triệu thời đại Hồ Chí Minh...”.

Với tôi, thì: Tình yêu thương đồng đội, tình yêu thương con người đã khiến chị Thanh được nhiều người biết đến với cái tên “Chị Thanh Trường Sơn”!

Vương Văn Kiểm (Nam Định)