Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu taị Hội nghị
Tới dự, chỉ đạo và tham dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạoTrung ương, TP.HCM, các tỉnh thành, bộ ban ngành; cùng đông đảo các tướng lĩnh, các cựu chiến binh, các nhà nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử…Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo cho biết: Hội thảo cấp Quốc gia: “Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968- Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử” là một trong những hoạt động thiết thực tuyên truyền, kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Thông qua hội thảo tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, phát huy tinh thần cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu CNXH, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập tự chủ,tinh thần quật khởi, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới đẩy mạnh sự nghiệp hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới… cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 có nhiều ý nghĩa to lớn, giáng 1 đòn quyết địch, làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ". Mở ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm lung lay ý chí xâm lược của quân viễn chinh Mỹ, buộc chúng phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoaị miền Bắc, chịu đến bàn hội nghi Pari để bàn về chấm dứt chiến tranh xâm lược, tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, không chỉ là đòn quyết định buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán mà còn là cuộc tổng diễn tập lớn cho Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân vào mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát biểu tại hội thảo, đ/c Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy, TP. HCM khẳng định sự cần thiết và hiệu quả của lực lượng Biệt động Sài Gòn, một phương thức đấu tranh quân sự sáng tạo, đặc thù trong đô thị, có hiệu suất chiến đấu cao, tận dụng được thế trận lòng dân , vô hiệu hóa phần lớn sức mạnh quân sự của các khí tài lớn, hiện đại của địch trong chiến đấu ở đô thị.
Không chỉ có vậy, những bài học từ những hạn chế của cuộc tổng tiến công và nổi dậy như bài học về đánh giá khả năng và sức mạnh của kẻ thù; về đề ra mục tiêu cho cuộc tổng tiến công; về phương thức tiến công và sử dụng lực lượng; về giữ gìn lực lượng, hạn chế tổn thất… đã giúp Đảng ta nhận thức thấu đáo hơn về thực tế chiến trường, tương quan lực lượng và đề ra chủ trương thích hợp trong lãnh đạo kháng chiến giai đoạn sau Mậu Thân, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân Sài Gòn – Gia Định đã viết nên những trang sử vẻ vang, mà trong đó cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một đỉnh cao đặc biệt. 50 năm đã qua, nhưng những giá trị lịch sử và bài học được đúc rút bằng xương bằng máu của biết bao cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 phải được thường xuyên thực hiện và trân trọng.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, cũng đã gửi đến hội thảo bài tham luận với chủ đề: “Bản lĩnh trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”, đưa ra những minh chứng hùng hồn về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh sáng suốt tài tình của Đảng ta. Bài tham luận của đ/c Lê Đức Anh, cũng cho biết: nhiều nhà nghiên cứu quân sự, kể cả bộ máy chiến tranh của Mỹ vẫn cố tìm hiểu cách gì mà ta triển khai lực lượng trên diện rộng mà vẫn giữ bí mật đến phút cuối cùng, lúc đó Trung ương Cục gọi riêng từng đồng chí bí thư tỉnh ủy lên giao nhiệm vụ. Mỗi tỉnh chỉ biết rõ "giờ G, ngày N", thời điểm nổ súng đồng loạt tổng tiến công. Cuộc tổng tấn công táo bạo của quân và dân ta trên toàn miền Nam đã làm cho bộ máy chiến tranh của Mỹ sững sờ, choáng váng …
Với nhiều tư liệu lịch sử mới được công bố và tiếp cận, hội thảo đã cung cấp một cách toàn diện sự kiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968. Một lần nữa khẳng định cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân-1968 mãi mãi khắc sâu vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đồng thời để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân là thắng lợi to lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam, là biểu hiện tập trung của ý chí và sức mạnh quật cường của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam; tài thao lược, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng, kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh với ngày 30-4-1975 lịch sử.
Trịnh Quốc Khánh