Nhờ thực hiện tốt các chương trình, chính sách, dự án của Đảng và Nhà nước hỗ trợ đồng bào dân tộc Kh’me, những tuyến đường liên thôn, liên xã, nhà cửa, chùa chiền… các phum sóc đều khoác lên mình “áo mới” góp phần đem lại diện mạo vùng quê này. Từ nguồn vốn của Chương trình 135 (giai đoạn II), Hậu Giang đầu tư, xây dựng, sửa chữa gần 120 công trình giao thông, với tổng kinh phí gần 43,6 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng tốt việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, sản xuất của người dân. Cùng với nguồn vốn từ Chương trình 135, Hậu Giang triển khai tốt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, hỗ trợ mua đất ở, đất sản xuất cho gần 1.180 hộ đồng bào dân tộc, hỗ trợ học nghề, chuyển đổi ngành nghề cho gần 1.150 người, với tổng kinh phí trên 35 tỉ đồng; hỗ trợ xây dựng 8 công trình nước tập trung và 1.500 hộ sử dụng nước phân tán, với tổng kinh phí 9 tỉ đồng. Ngoài ra, còn thực hiện một số chính sách khác như cho vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo vùng khó khăn, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc…
Bây giờ đến xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ) hình ảnh “cầu tre lắt lẻo”, đường nông thôn “ổ gà, ổ voi” hầu như không còn, thay vào đó là cầu, đường bê tông kiên cố. Ông Danh Lanh ở ấp 5 phấn khởi cho biết, khi tuyến đường này bắt đầu xây dựng, người dân mừng lắm, người thì hiến đất, người thì phụ giúp trộn hồ… Ngày khánh thành đường, ở đây vui như mở hội, từ nay trở đi học sinh không còn sợ cảnh lầy lội mỗi lần đến trường. “Nhờ chính quyền địa phương bắc cầu qua kênh Giữa mà chúng tôi chạy xe máy bon bon về tận nhà. Trước chỉ là cây cầu khỉ qua lại rất khó, nhất là vào mùa mưa, xe máy không thể di chuyển được” - ông Lanh chia sẻ. Theo CCB Võ Minh Đằng - Bí thư Đảng ủy xã Xà Phiên, 5 năm qua, toàn xã xây dựng, mở rộng, nâng cấp gần 100km đường liên thôn; xây dựng mới gần 80 cây cầu bê tông, với tổng kinh phí trên 9,4 tỉ đồng, từ đó 8/8 ấp của xã xe hai bánh đi lại dễ dàng. Diện mạo phum sóc đổi thay, góp phần không nhỏ trong việc giảm nghèo. Nếu năm 2010 Xà Phiên có trên 31% hộ nghèo thì đến nay tỷ lệ ấy còn gần 20%. Người dân ở ấp 10 (xã Vị Trung – Vị Thủy – Hậu Giang) những năm gần đây rất phấn khởi vì có được con đường bê tông dài 1,3km, ngang 3,5m để đi lại hằng ngày. Khi chưa xây dựng con đường này thì người dân đi lại rất khó khăn, nhất là những lúc trời mưa. Vào năm 2012, tuyến đường trên được đầu tư xây dựng từ Chương trình 135, khiến người dân rất phấn khởi. Chia sẻ niềm vui này, ông Thạch Rươl ở ấp 10 (xã Vị Trung) cho biết: “Bây giờ có tuyến đường này vừa rộng, vừa thoáng nên bà con ở đây đi lại thuận tiện lắm. Đặc biệt là các em học sinh không còn lo cảnh trơn trượt mỗi khi trời mưa”.
Nếu năm 2010, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Kh’me chiếm 35,5%, thì nay giảm còn 16,73%, thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng được nâng lên. Trước đây, gia đình bà Thị Thên ở ấp 5 (xã Xà Phiên - Long Mỹ), có 3 công đất ruộng. Năm 2008, do làm ăn thua lỗ nên bà cắm hết đất với giá 30 triệu đồng, mong trang trải được cuộc sống, nhưng loay hoay một thời gian thì lại lâm vào cảnh túng quẫn. Năm 2010, thực hiện Quyết định số 74, gia đình bà được hỗ trợ 20 triệu đồng để chuộc đất. “Cầm 20 triệu đồng chuộc lại 2 công đất, người ta không cho, vậy là tôi phải mượn của người thân thêm 10 triệu đồng nữa để chuộc hết đất” – bà Thên cho hay. Từ đó, gia đình bà Thên tập trung chăm lo sản xuất, thâm canh, chăn nuôi heo và tích lũy dần, đến năm 2013 thoát nghèo. Trong khi đó, gia đình chị Lý Thị Bé ở ấp 8, xã Vị Thủy (huyện Vị Thủy), có 2,5 công đất, cộng với tiền chồng chị làm mướn hằng ngày nhưng nhiều năm vẫn không thoát nghèo. Năm 2010, gia đình chị được xét hỗ trợ 20 triệu đồng từ Quyết định số 74 để đầu tư chăn nuôi, mở tiệm tạp hóa. Từ tiệm tạp hóa, mỗi ngày trừ chi phí chị lời trên 100.000 đồng. Ngoài ra, mỗi năm chị nuôi 3 đợt heo thịt, mỗi đợt khoảng 5 con, trừ chi phí lời hơn 500.000 đồng/con. Với tiền kiếm được như thế, năm 2012, gia đình chị thoát nghèo. Từ các nguồn vốn các chương trình, dự án của Chính phủ, kết cấu hạ tầng tại các vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống ở Hậu Giang thay đổi rõ nét, đời sống kinh tế của đồng bào từng bước được nâng lên. Nhiều hộ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn mở rộng đầu tư sản xuất, góp phần xây dựng phum sóc thêm khang trang. Năm 2015, tỉnh Hậu Giang hỗ trợ nhiều tỷ đồng để xây dựng sala chùa Borayseraychua, đầu tư đóng mới 4 chiếc ghe ngo và 9 lò hỏa táng ở các chùa Kh’me…
Cuộc sống của đồng bào Kh’me đang đổi thay từng ngày. Tiếng cười vui lan tỏa trên khắp các phum, sóc nơi đây.
PHƯƠNG NGHI