Các y tá đang chăm sóc những người bị thương.
Kể từ tháng 12-1978, hè năm 1996 tôi mới có dịp trở lại T.P Hồ Chí Minh. Hôm đó, khi ra khỏi cửa soát vé của nhà ga Sài Gòn, tôi đang định lên xe để về cơ quan công tác ở số 8, Nguyễn Bỉnh Khiêm thì nghe có tiếng gọi với vẻ thảng thốt:
- Anh Vinh…!
Tôi quay lại và bắt gặp một gương mặt thiếu phụ khá quen thuộc đang hướng đôi mắt đẹp và ngạc nhiên nhìn mình. Lục tìm trong trí nhớ vài giây, tôi ngập ngừng:
- Xuân… À… Xin lỗi, chị có phải…
- Vâng! Em đây, Xuân đây, anh Vinh, sao lại thế này? Em đã nghe tin… - Giọng người thiếu phụ líu ríu. Còn tôi cũng mừng rỡ thốt lên:
- Ôi! Xuân.. Em ở đâu mà ngần ấy năm bặt vô âm tín vậy?
- Anh cũng vậy… - Giọng của Xuân nghe nghèn nghẹn - Cũng may là hôm nay em đi đón chị bạn… Mà sao kỳ vậy anh? - Vừa nói cô vừa nhìn tôi với vẻ chăm chú khác thường - Hồi ấy, em nhận được tin anh hy sinh… sao bây giờ gần 20 năm sau, hôm nay em lại được gặp anh như thế này…!
- Nghe tin anh hy sinh hồi nào? - Tôi ngạc nhiên hỏi. Nhưng rồi qua trao đổi, cả hai mới vỡ lẽ về sự “hy sinh” của tôi và cũng lý giải vì sao khi ra viện về đơn vị, sau một thời gian, tôi đã gửi mấy lá thư cho Xuân mà không có hồi âm.
Lặng yên một lát, Xuân bồi hồi kể: Buổi tối hôm đó, trong phiên trực, Xuân tình cờ nghe một thương binh hỏi người đồng đội mới vào viện tối hôm trước về trường hợp bị thương. Trong câu chuyện, hai người có nói đến sự hy sinh của một Trung đội trưởng nào đó tên Vinh, nên cô đã đến để tìm hiểu sự việc thì được anh thương binh trả lời:
- Anh Vinh đã bị thương lần nào chưa thì tôi không rõ lắm vì tôi mới được bổ sung vào trung đội anh Vinh hơn hai ngày thì bị thương. Tôi chỉ nhớ hôm mới về trung đội, anh Vinh thăm hỏi rồi động viên và dặn dò kỹ lắm. Cuối cùng anh giới thiệu, quê anh ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, nhập ngũ tháng 8-1976. Anh ấy còn nói, về người yêu: Chưa có, nhưng có một cô bạn gái rất thân…
Nói tới đây, Xuân dừng lại một lúc rồi bảo tôi: Nghe đến đó em chạy về phòng nằm khóc vì “người đó” là anh thật rồi. Nhưng mà chuyện đó là thế nào hở anh.
- Thôi, thế thì em lại giống trường hợp cô giáo dạy văn lớp 10 của anh rồi - tôi kêu lên - cũng tại hai người cùng tên, cùng họ, lại cùng quê, cùng nhập ngũ và cùng đơn vị; khi thông tin anh Vinh ở xã bên cạnh hy sinh về tới huyện, nghe mọi người nói với nhau, cô giáo cũng nghĩ là anh nên đã xuống tận nhà hỏi thăm…
Nghe tôi kể đến đây, Xuân cứ thừ ra, mãi một lúc sau, em mới tiếp tục câu chuyện:
- Đầu năm 1980, nhân bệnh viện có đợt tăng cường một số y, bác sĩ sang giúp bạn Campuchia, em xung phong đi luôn. Đến năm 1982 em về nước đi học; ra trường, trên điều về Bệnh viện 175…
Cuộc gặp lại bất ngờ đó làm tôi bâng khuâng nhớ lại năm 1978 nằm điều trị tại Bệnh viện Quân y 115. Lúc đó Võ Thị Xuân là một y sĩ mới ra trường. Cô khá nổi bật ở Khoa ngoại 2 vì sự trẻ trung, duyên dáng và luôn dành cho thương bệnh binh tấm lòng của một người chị, người em gái và người bạn. Riêng tôi lúc đó cũng được xếp vào diện thương binh… khá nặng, bởi một vết thương thấu phổi, nhiều vết ở chân trái, trong đó có một vết to và sâu ở đùi. Trước khi được đưa về tuyến sau, tôi phải nằm dưới cơn mưa rừng xối xả, nên mấy ngày đầu, vết thương bị nhiễm trùng sưng tấy. Tôi sốt mê man. Trong cơn mê sảng, tôi thều thào gọi: Nước… Mẹ ơi… N…ư…ơ…c…! Có tiếng ai đó gọi tôi, nhưng khi một bàn tay lay lay vào vai, tôi mới tỉnh hẳn. Trước mắt tôi vẫn là cô y sĩ đã gần gũi, chăm sóc tôi suốt từ hôm tôi mới vào viện.
Có thể nói, sự quan tâm, chăm sóc của Xuân đối với tôi có phần lặng lẽ nhưng cũng khá đặc biệt, nhất là khi tôi chuyển sang giai đoạn tập đi. Suốt cả một tuần, sau khi thăm, khám, điều trị cho thương binh trong phòng, y sĩ Xuân lại dành thời gian giúp tôi tập đi. Buổi đầu tiên, tôi bỏ nạng gỗ để thử đi bằng đôi chân của mình, nhưng bàn chân phải chưa kịp nhấc lên khỏi mặt đất thì cơn đau đã buốt đến tận óc, mắt tôi hoa lên… Chờ cho cơn đau của tôi dịu xuống, Xuân dịu dàng bảo: Bây giờ anh vịn vào vai em mà đi, việc này phải kiên trì, không nóng vội được đâu đồng chí… “B trưởng” của tôi ạ…
Thế rồi, Xuân đã làm “điểm tựa” để tôi nhúc nhắc từng bước một. Khi đã quen chân, cô đứng cách tôi một, rồi hai, ba, bốn mét và đưa tay đón đợi. Ánh măt và đôi tay em như khích lệ và tăng thêm nghị lực cho tôi.
Trong những lần nghỉ giải lao, Xuân đã kể cho tôi nghe về cuộc đời của em: Mới 9 tuổi, Xuân đã phải rời quê hương Tam Phước, Tam Kỳ, Quảng Nam để lên “R” theo ba, má. Năm 17 tuổi, Xuân đi học lớp Trung cấp quân y… Em bảo: Với em, tình yêu nghề nghiệp được bắt đầu từ tình yêu đối với những người lính Cụ Hồ và cho đến bây giờ tình yêu ấy càng được nhân lên…
Ngày ra viện, trong hành trang trở về với đồng đội nơi mặt trận, tôi có thêm tình cảm của em và cả nỗi niềm thương nhớ về em - người thầy thuốc chiến sĩ. Trong dòng cảm xúc ấy, tôi viết mấy câu thơ tặng em: Ở chiến trường anh thích nhất màu xanh/ Màu da trời màu tấm áo của anh/ Màu rừng núi nơi anh từng quen thuộc/ Từng che giấu biết bao đoàn quân bước/ …Vào bệnh viện anh yêu thêm màu trắng/ Áo em choàng không phai bạc nắng mưa/ Khay đựng thuốc trên tay em màu trắng/ Và rất nhiều màu trắng ở bên em/ Từ hôm nay anh đã thấy thân quen/ Màu trắng ấy như màu xanh yêu dấu….
T.P Hồ Chí Minh 1978-1996, Hà Nội, hè 2020.
Hồ Bá Vinh