Logo của Bộ tư lệnh Không gian Mỹ.

Năm 2007, tên lửa phóng từ mặt đất của Trung Quốc đã tiêu diệt thành công một vệ tinh trong không gian, khiến cả thế giới ngỡ ngàng. Không gian tuy rộng lớn nhưng không có nghĩa các vệ tinh quân sự và dân sự có thế tránh được các đòn tấn công của đối thủ.

Không phải vì thế mà ngày 29-8-2019, Tổng thống Mỹ - Donald Trump tuyên bố thành lập Bộ Tư lệnh Không gian (SpaceCom) trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, chịu trách nhiệm tác chiến trong không gian. Trên thực tế, các hoạt động tác chiến trong không gian vốn được giao cho một bộ phận thuộc Không quân Mỹ từ năm 1985, có nghĩa là từ thời Chiến tranh Lạnh. Bước đi của chính quyền Mỹ vừa qua đã hiện thực hóa một cách rõ ràng khi SpaceCom chính thức trở thành Bộ Chỉ huy thứ 11 trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ và cũng là lực lượng thứ 6 mới sánh vai cùng Lục quân, Không quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến và Tuần duyên Mỹ.

Có thể thấy, trong cuộc đua không gian, Mỹ là nước có bước đi chính thức và kiên quyết hơn so với Nga, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ và một số quốc gia khác. Với việc thành lập SpaceCom, Tổng thống Mỹ - Donald Trump cho rằng đây là cột mốc đáng nhớ, cho thấy tầm quan trọng của vũ trụ với nền quốc phòng an ninh của Mỹ. Ông cũng khẳng định rằng, Bộ Tư lệnh không gian sẽ bảo đảm ưu thế của Mỹ trên không gian. Giải thích rõ hơn cho việc phải khẩn trương thành lập SpaceCom, ông Trump nói: “Những mối nguy hiểm đối với đất nước của chúng ta liên tục xuất hiện và buộc chúng ta phải làm như vậy. Các đối thủ của chúng ta đang vũ khí hóa quỹ đạo trái đất với công nghệ mới nhằm vào các vệ tinh của Mỹ, vốn đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động trên chiến trường cũng như với cuộc sống của chúng ta”.

Cuộc đua trong không gian ngày càng gay cấn.

Như vậy, mục đích thành lập SpaceCom của Mỹ, như lời ông Trump nói, đã rõ được một nửa. Đó là bảo vệ các vệ tinh Mỹ, cả quân sự và dân sự, trước các đòn tấn công của đối thủ. Thế nhưng, còn một mặt khác mà ông Trump chưa nói tới, đó là SpaceCom chắc chắn phải có khả năng tiêu diệt, làm tê liệt, hoặc đơn giản là gây nhiễu các vệ tinh của đối phương. Đây lại là điều đáng ngại với các nước là đối thủ của Mỹ.

Đi trước Mỹ một bước, Pháp cũng đã thành lập Bộ Tư lệnh Không gian của mình vào tháng 7-2019 để củng cố cho chiến lược về không gian vốn có từ năm 2010 của Pháp. Vào thời điểm đó, Pháp cho thành lập một bộ tư lệnh liên quân về không gian nhưng điểm mới trong học thuyết quân sự không gian lần này của Pháp nằm ở chủ trương “tấn công là để phòng ngự”. Quân đội Pháp, nhất là Không quân Pháp, sẽ đặc biệt tập trung nghiên cứu và phát triển một loại vũ khí chống vệ tinh dựa trên một công nghệ có tên gọi “quang học tương thích”, mục tiêu không phải là để bắn phá vệ tinh của đối thủ, mà khiến cho chúng không còn hoạt động được. Tổng thống Pháp thông báo dành ngân sách 3,6 tỷ Euro để đổi mới một số vệ tinh nghe - nhìn và rađa giám sát không gian. Một mức chi quả thật vẫn còn quá khiêm tốn so với con số 12 và 15 tỷ USD mỗi năm của Mỹ, quốc gia hiện đang sở hữu khoảng 150 vệ tinh quân sự. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc mới chỉ có khoảng 30 vệ tinh quân sự.

Chỉ với việc các nước lớn chính thức thành lập các lực lượng không gian để bảo vệ vệ tinh của mình và “kiểm soát” vệ tinh của đối phương, chắc chắn cuộc đua trong không gian sẽ ngày càng gay cấn. Rồi đây, một vệ tinh quân sự hoặc dân sự của một quốc gia nào đó bị nhiễu, tê liệt hay bất ngờ bị rơi, thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Liệu đó có thể sẽ là cái cớ cho một cuộc chiến lớn hơn?

Ngọc Hưng