Vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, trong xã hội chúng ta có khá nhiều người khuyết tật và phần lớn trong số họ có cuộc sống còn rất khó khăn, vất vả, cần có sự trợ giúp của cộng đồng để vươn lên trong cuộc sống. Theo thống kê của Bộ LĐ-TBXH, đến thời điểm hiện nay, cả nước có hơn 5,3 triệu người khuyết tật (bao gồm cả khuyết tật do ảnh hưởng chất độc hóa học da cam/đi-ô-xin trong chiến tranh), chiếm 6,4% dân số. Điều đáng chú ý là, số người khuyết tật trong độ tuổi lao động (từ 16 đến 55 tuổi đối với nữ, từ 16 đến 60 tuổi đối với nam) chiếm khoảng 70% tổng số người khuyết tật cả nước. Tuyệt đại đa số người khuyết tật ở nước ta đều sống cùng gia đình và những gia đình này đều có mức sống trung bình hoặc dưới trung bình, khoảng 30% trong số này có việc làm phù hợp, thu nhập ổn định; còn lại 70% trong số họ không có việc làm bảo đảm, chủ yếu là làm nghề thủ công truyền thống, trồng rau, nuôi lợn, gà... Trên địa bàn cả nước hiện có hơn 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của người khuyết tật với trên 25.000 người đang làm việc. Con số này thể hiện sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành và bản thân người khuyết tật, song so với nhu cầu làm việc thực tế của người khuyết tật cả nước thì còn quá thấp.

Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm trong nước và ngoài nước luôn quan tâm, giúp đỡ người khuyết tật ở mức cao nhất trong điều kiện có thể, thể hiện tình tương thân, tương ái, trách nhiệm xã hội của mình trong suốt những năm qua. Mỗi năm, đã có hàng trăm tỷ đồng, hàng ngàn ngôi nhà tình thương, những món quà bằng hiện vật giá trị... đến tận tay người tàn tật, giúp họ vượt khó, vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Chỉ tính riêng năm 2008, Quỹ Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam đã vận động quyên góp cho người khuyết tật được 89,9 tỷ đồng và đã chi ra 86 tỷ đồng cho các chương trình chăm sóc, giúp đỡ đối tượng. Hội đã tổ chức phẫu thuật mắt, thay thủy tinh thể cho 6.211 người mù nghèo trị giá gần 4,6 tỷ đồng; phẫu thuật phục hồi chức năng cho 1.027 người; cấp 8.704 xe lăn, xe lắc; cấp 2.176 xe đạp cho học sinh là con thương binh, con liệt sĩ và trẻ mồ côi; hỗ trợ học nghề cho 1.834 người... Đây là những kết quả đầy ấn tượng, nhưng cũng mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu thực tế của đối tượng người khuyết tật trong toàn quốc.

Người khuyết tật Việt Nam, nói một cách chung nhất, đó là “đồng bào”, “đồng chí” (đặc biệt là các CCB bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh chống Mỹ), là hàng xóm láng giềng; cho nên giúp đỡ người khuyết tật để họ vươn lên trong cuộc sống là công việc, là trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Ngoài các chế độ, chính sách của Nhà nước, ngoài sự chăm lo giúp đỡ của cộng đồng, điều quan trọng hơn cả chính là ý chí phấn đấu vươn lên của bản thân mỗi người khuyết tật, không mặc cảm, tự ti, phấn đấu vươn lên để hòa nhập cùng cộng đồng xã hội. Có vậy thì cuộc sống của người khuyết tật nước ta mới vươn lên khá hơn. Những thương binh những nạn nhân chất độc da cam, những người chịu thiệt thòi do bẩm sinh... đang rất cần những tấm lòng nhân hậu, biết sẻ chia của xã hội. Mỗi người chúng ta đều cần có hành động thiết thực, cùng chung tay giúp người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.

Bài và ảnh: Thanh huyền