Doanh nhân CCB Trần Bá Sanh (người đi đầu) giới thiệu mô hình cho đoàn khách đến thăm quan khu du lịch (ảnh chụp trước dịch bùng phát).

Sau gần 6 tháng “cửa đóng, then cài” để phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 15-11, Khu du lịch sinh thái Lan Vương, T.P Bến Tre, tỉnh Bến Tre, do doanh nhân CCB Trần Bá Sanh làm Giám đốc bắt đầu khởi động trở lại cùng ngành du lịch của tỉnh.

Trò chuyện với tôi khi ông đang đón khách sau thời gian “ngủ đông”, doanh nhân CCB Trần Bá Sanh cho biết: “Thời gian tạm nghỉ đón khách do dịch, nhân viên công ty chúng tôi vẫn thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, trang trí, cải tạo cảnh quan. Đặc biệt, những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, công tác kiểm tra, bảo trì tất cả các trò chơi, bố trí cảnh quan như mô hình 12 con giáp bằng cây xanh, khung cảnh làng quê Nam Bộ... được “chạy nước rút” để tạo điểm nhấn mới khi mở cửa trở lại”.

Bằng tài năng và sự nhiệt huyết của mình, ông Sanh đã biến những mảnh ruộng hoang sơ thành khu du lịch sinh thái rộng 10ha, mang đậm nét miền Tây. Những ngày chưa có dịch, Lan Vương thu hút hàng nghìn lượt khách đến mỗi ngày. Trung bình mỗi tháng hơn 15.000 lượt khách tham quan.

Là một trong những đơn vị đầu tiên được tỉnh thẩm định, cho phép trở lại hoạt động đón khách, Lan Vương đã đảm bảo, tuân thủ đầy đủ các khâu, quy trình phòng, chống dịch. Mặc dù vậy, để du khách cảm thấy an toàn cao hơn khi đến với Lan Vương trong thời điểm hiện nay, người đứng đầu Công ty đã đưa ra yêu cầu “khắt khe” với cả du khách và nhân viên công ty, như: “Đối với nhân viên Công ty: 100% nhân viên làm việc được tiêm đủ 2 liều vắc-xin; tuân thủ 5K, đo thân nhiệt hằng ngày; test nhanh mỗi tuần; không di chuyển ra ngoài tỉnh Bến Tre; khử khuẩn, súc họng, tắm rửa thường xuyên...” - CCB Trần Bá Sanh chia sẻ.

Lý giải về yêu cầu khắt khe trên, ông Sanh cho rằng: Mình đưa ra các tiêu chí đó vừa đảm bảo an toàn cho mình, vừa tạo sự yên tâm với du khách. Khắt khe không phải để hạn chế mà là tạo được “không gian sạch”.

Theo CCB Trần Bá Sanh, mô hình du lịch sinh thái với không gian rộng sẽ là điểm đến phù hợp, an toàn trong bối cảnh bình thường mới, đáp ứng tiêu chí an toàn phòng dịch. “Chúng tôi chú trọng vào việc giãn cách, tạo khoảng cách giữa các đoàn, có thể các đoàn không tiếp xúc nhau lần nào trong suốt kỳ nghỉ để tạo nên cảm giác an tâm nhất cho du khách. Mỗi đoàn đến sẽ ở một khu khác nhau; cán bộ, nhân viên phụ trách đoàn nào sẽ ở cùng với đoàn đó”.

Không những thế, công ty thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh của địa phương và cả nước để thông báo, nhắc nhở cán bộ, nhân viên tuyệt đối không lơi là, mất cảnh giác. Mỗi cán bộ, nhân viên của Công ty là một tuyên truyền viên cho người thân và gia đình để cùng nhau tạo sự an toàn phòng dịch.

Tuy nhiên, sau hơn 1 tuần “vừa phát triển kinh tế, vừa chống giặc dịch” thì tình hình “giặc dịch” ở Bến Tre vẫn căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Trước thực tế này, quan điểm của ông Sanh là, đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên Công ty và du khách cần được đặt lên hàng đầu, chứ không mạo hiểm.

Được biết, để có được Khu du lịch Lan Vương như hôm nay, ông Sanh đã tích góp, đầu tư từ năm 1989. Khu du lịch hiện có đủ các trò chơi dân gian Nam Bộ: cầu lắc, cầu cau, cầu dừa, cầu khỉ, tát mương bắt cá, xe đạp nước, đu dây, chèo xuồng, bè, đào khoai mì... Ông lồng ghép các chương trình như hội thi đổ bánh xèo, đốt lửa trại, cắm trại qua đêm, đờn ca tài tử... cùng với đội ngũ nhân viên quản trò, làm cho khu du lịch luôn sống động, mới mẻ.

Hiện tại, CCB Trần Bá Sanh đã thành lập Công ty TNHH du lịch Ba Lan. Trong đó, Lan Vương 1: Khu vực làm mô hình năng khiếu nhạc, họa; Lan Vương 2: Khu vực làm du lịch cộng đồng và Lan Vương 3: Khu vực làm mô hình giáo dục học đường, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với mức lương từ 7 triệu đồng/người/tháng, trong đó có nhiều người là con, cháu của hội viên CCB.

Vũ Minh