Từ năm 1964 đến năm 1976, ông chiến đấu trên chiến trường quê nhà, là Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu Trị Thiên. Sau đó ông làm Chủ nhiệm khoa Hậu cần Kỹ thuật Học viện Quốc phòng, rồi Phó giám đốc Học viện Hậu cần. Nghỉ hưu năm 1990 tại phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội, ông tiếp tục tham gia 2 nhiệm kỳ Phó chủ tịch Hội CCB Hà Nội. Ông kể:
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở chiến trường Trị Thiên, công tác bảo đảm hậu cần rất khó khăn, gian khổ, ác liệt và hi sinh. Con đường mòn vận tải nối từ bản này sang bản khác và xuống đến vùng giáp ranh với địch. Từ giáp ranh xuống đến đồng bằng, thành phố, huyện, xã, thôn do nhân dân và cán bộ dưới ấy lo liệu, móc nối với cơ sở chuyển gạo, nhu yếu phẩm, thuốc quân y lên vùng giáp ranh. Chị em dân công phần lớn là người các dân tộc Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Cô… lại chuyển từ vùng giáp ranh lên rừng cho bộ đội. Tôi nhớ đường Bắc Huế, từ núi Gió đến Bồn Trì, Bồn Phổ, La Chữ (Hương Trà) vào nội thành Huế là con đường đạt hiệu quả cao trong vận chuyển gạo, thuốc men từ đồng bằng, thành phố lên. Rồi con đường Khe Thai, Khe Trái, Khe Trò về Lai Bằng, Cổ Bì có những đoàn thuyền và các vạn bên sông Bồ đêm đêm lặng lẽ xuôi ngược chở hàng. Những nhà kho làm theo dốc đứng men sông được ngụy trang rất khéo, khó phát hiện chứa trong đó hàng trăm tấn gạo. Một vạn ở sông Bồ với một ít đảng viên đã lãnh đạo dân vạn đò kiên trì, bí mật chuyển được nhiều gạo bảo đảm cho chiến dịch tết Mậu Thân. Trong quân đội cán bộ chỉ huy từ trung đoàn trở xuống đều xung phong đi gùi gạo. Ai cũng nghĩ và mong có gạo ăn cho bộ đội rồi mới nói đến công tác và chiến đấu. Mà bữa ăn hàng ngày quá đạm bạc, thiếu thốn, mỗi ngày thương binh được 3 lạng gạo, bộ đội thì 1 lạng gạo trộn với sắn, rau, muối, nhưng tất cả đều nêu cao tinh thần chịu đựng, lạc quan và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Cán bộ, chiến sĩ ta còn đặt tên cho các món ăn như “nước chấm đại dương”, “canh toàn quốc” để động viên nhau. Trong khi đó địch kiểm soát gắt gao, phục kích, bom, pháo chặn đường. Mỗi hạt gạo, mỗi viên thuốc phải đổi bằng xương máu của cán bộ, chiến sĩ chúng ta.
Đồng chí Nguyễn Sơn Đoài, quê Hương Thủy, Trị Thiên Huế, là cán bộ Tổng cục Hậu cần vào quân khu năm 1966, được bổ nhiệm Phó chủ nhiệm Cục Hậu cần. Được trở về giải phóng quê hương, Nguyễn Sơn Đoài phấn khởi lắm, luôn lo lắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi về khai thác lương thực, thuốc men từ nội thành Huế ra căn cứ thì anh ém quân ở Đình Môn. Anh rất muốn bắt liên lạc với gia đình mà chưa được thì một hôm bị máy bay địch bắn trúng hầm. Nguyễn Sơn Đoài hi sinh ngay trên mảnh đất quê nhà mà người trong gia đình không biết.
Đồng chí Nguyễn Hưng, có dáng người cao, tính tình trầm tĩnh, chất phác, luôn làm tốt công tác chính trị, công tác lãnh đạo được phân công. Khi sở chỉ huy tiền phương của Quân khu đóng ở núi Gió, Hương Trà chúng tôi cùng ở với nhau trong địa đạo có một hầm chữ A. Lần ấy Nguyễn Hưng bị sốt rét nên đề nghị được ra mắc võng bên ngoài cho thoáng khí. Khi báo động B-52, đồng chí liên lạc Trần Đăng vội đưa vào hầm nhưng không kịp, hai người đều bị bom vùi sâu gần 3m. Cả cơ quan đào tìm từ 4 giờ chiều đến 12 giờ đêm mới thấy để tổ chức khâm liệm, truy điệu và an táng.
Đồng chí Nguyễn Lương là chuyên viên cao cấp của Phủ Thủ tướng, được tăng cường từ Hà Nội vào cơ quan kinh tế Khu ủy, sau đó lại điều động cho quân đội làm Phó chủ nhiệm Cục Hậu cần. Đó là một cán bộ nhỏ nhẹ, gần gũi anh em như người thân trong gia đình, ai cũng mến; với nhiệm vụ thì hăng say và trách nhiệm. Năm 1972, trong một chuyến ra công tác ở Quảng Trị để đôn đốc việc khai thác, vận chuyển lương thực từ đồng bằng lên, không may Nguyễn Lương bị B-52 ném bom hi sinh.
Còn đồng chí Lê Thế Diện, Phó chính ủy Cục Hậu cần trên đường đi công tác, đoàn của anh bị một loạt bom địch ném xuống. Lê Thế Diện mang một mảnh bom ở giữa bụng, máu chảy lênh láng được 5 phút sau thì tắt thở…
Ngay khi TP Huế được giải phóng, chúng tôi chuyển cơ quan về đóng quân ở Mang Cá. Cục Hậu cần tổ chức một đoàn gồm 120 cán bộ, chiến sĩ, chia làm 3 đội đi quy tập được 400 mộ chí tại các khu hậu cần, đội điều trị, bệnh viện, bệnh xá trú quân trước đây về thành một nghĩa trang ở thôn Hải Phú, huyện Hải Lăng để anh em đỡ lạnh lẽo nơi rừng núi và gia đình liệt sĩ dễ tìm kiếm và hương khói sau này. Ban đầu gọi là nghĩa trang Cục Hậu cần, nay là NTLS huyện Hải Lăng.
Tô Kiều Thẩm