20 mẫu đất trơ cát trắng và không còn khả năng sản xuất nông nghiệp sau khi  các công ty khai thác vật liệu đóng, đốt gạch và khai thác cát sử dụng. Khu đất bị bỏ hoang 7 năm cho đến khi CCB Trần Văn Mưu, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, T.P Hà Nội đứng ra nhận đấu thầu vào năm 2008.

Phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, CCB Trần Văn Mưu cải tạo làm hồi sinh vùng đất hoang hóa. Đất không phụ lòng người. Năm 2011, mùa dong riềng bội thu là “đòn bẩy” giúp ông thêm quyết tâm làm thay đổi mảnh đất này.

Ban đầu, ông khai hoang trồng chuối tiêu hồng, cây đót và cho lãi suất đáng kể. Thấy có khả năng sản xuất, người dân xung quanh cũng xin ông chia đất để làm theo.

Đến tháng 8-2017, ông Mưu cùng với 20 hộ thành viên, thành lập HTX sản xuất rau an toàn và dịch vụ nông nghiệp Minh Hưng do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc. HTX chuyên sâu trồng rau an toàn, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm, ngoài ra, HTX đang gieo trồng thử nghiệm giống cà chua mới. Vào thời vụ, HTX có tới 50 công nhân là người trong địa phương, cho thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Sau 1 năm sản xuất, HTX đã thu về gần 900 triệu đồng.

Tuy nhiên, người doanh nhân CCB bước đầu khởi nghiệp vẫn còn nhiều lo toan. Do thiếu nguồn tiêu thụ nên có  rau, có năm HTX  lâm vào tình cảnh được mùa nhưng mất giá và phải nhờ thành phố “giải cứu”. Với thị trường tiêu dùng hiện nay, chỉ với rau an toàn thôi chưa đủ, các cơ sở trồng trọt cần được đạt chuẩn VietGAP, có mã truy xuất nguồn gốc trên mỗi sản phẩm, ông Mưu lại trăn trở tìm kiếm và liên kết với các nhà đầu tư để HTX có doanh thu cao hơn, hợp tác với các siêu thị trên địa bàn để cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn ngay sau khi được chứng nhận thương hiệu.

Lấy lao động làm niềm vui và ý chí quyết tâm phát triển kinh tế, CCB Trần Văn Mưu đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và giúp nhân dân địa phương khai thác tối đa tiềm năng của đất. Vùng đất hoang nay đã phủ một màu xanh của rau và cây trái.

Ai qua mảnh đất hoang hóa trước kia, nay trở nên trù phú, tươi tốt bởi màu xanh của cây, đều tấm tắc nói: “Nhờ công của ông Mưu”.

Mai Phương