Ngày 19-12, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị công bố kết quả chính thức Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam được tiến hành ngày 1-4-2019. Những thông tin thu thập được từ Tổng điều tra dân số và nhà ở lần này là bằng chứng rõ nét về những thành tựu và thách thức to lớn trong phát triển KTXH của đất nước ta trong những năm qua, là căn cứ quan trọng phục vụ hoạch định các chính sách phát triển KTXH đất nước năm 2020 và những năm tiếp theo.

Theo kết quả chính thức của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tại thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2019, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người (nói gọn 96,2 triệu người), trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%. So với khu vực và thế giới, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a và Phi-lip-pin) và thứ 15 trên thế giới. Như vậy là, sau 10 năm (so với thời điểm Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009), dân số Việt Nam tăng 10,4 triệu, lên mức 96,2 triệu người, bình quân tăng 1,14%/năm, chậm hơn giai đoạn 1999-2009, để đến năm 2020 dân số không vượt quá 98 triệu người, đạt yêu cầu Chiến lược dân số và tập trung vào nâng cao chất lượng dân số. Cũng qua kết quả Tổng điều tra, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, việc làm và điều kiện sống của người dân. Có 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Cả nước có 95,8% người dân từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên 73,6 tuổi. Diện tích nhà ở bình quân đầu người là 23,2m2/người, tăng 6,5m2/người so với năm 2009… Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” khi dân số trong dân số trong độ tuổi lao động gấp đôi số người trong độ tuổi phụ thuộc. Đây là cơ hội tuyệt vời cho phát triển KTXH nếu có các chính sách phù hợp về phát triển nguồn nhân lực.

Thành tựu đạt được là rất lớn, nhưng những thách thức đặt ra cho chúng ta cũng không hề nhỏ. Nhiều dự báo cho rằng, chỉ khoảng 20 năm nữa, Việt Nam sẽ ra khỏi giai đoạn dân số vàng và bước vào giai đoạn già hóa dân số khi mà hiện nay, chỉ số già hóa tăng từ 35,9% năm 2009 đã lên mức 48,8% năm 2019. Vấn đề thứ hai là sự chênh lệch về giới tính. Chỉ số giới tính trung bình cả nước là 99,1 nam/100 nữ; khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ; khu vực nông thôn là 100,5 nam/100 nữ. Vấn đề thứ ba, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Năm 2019, mật độ dân số cả nước đạt trung bình 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất cả nước với 22,5 triệu; Tây Nguyên có ít người nhất với 5,8 triệu. Dân số khu vực thành thị năm 2019 là 33 triệu; khu vực nông thôn 63,1 triệu. Hai thành phố có mật độ dân số cao trong cả nước là T.P Hà Nội 2.398 người/km2 và T.P Hồ Chí Minh 4.363 người/km2, cao gấp hơn 10 lần so với mật độ chung của cả nước và có tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, trung bình mỗi năm  tăng khoảng 200.000 dân. Bên cạnh áp lực về ùn tắc giao thông, việc gia tăng dân số tạo thêm những áp lực rất lớn về y tế, giáo dục, môi trường... Thứ tư là vấn đề nhà ở. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở, tổng số hộ cả nước hiện là 26.870.079 hộ, bình quân 3,6 người/hộ, tăng 4,4 triệu hộ sau 10 năm. Tuy nhiên, trong tổng số 26,9 triệu hộ dân cư vẫn còn 1,4 triệu hộ với 5 triệu người sống trong những căn nhà sơ sài, đặc biệt còn 4.800 hộ không có nhà ở, trong đó có không ít hộ là CCB và các đối tượng chính sách. Đây là áp lực lớn lên các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể, trong đó có Hội CCB Việt Nam trong công cuộc giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên CCB khó khăn và các đối tượng chính sách.

Số liệu từ Tổng điều tra 2019 sẽ giúp các cơ quan, chuyên gia có dữ liệu để phân tích xu hướng dân số để có đối sách, chính sách kịp thời để tận dụng thời kỳ dân số “vàng”, giúp dân số Việt Nam không rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già” và tránh bẫy thu nhập trung bình, quan tâm tới người yếu thế, những người có thu nhập thấp, đồng thời giúp cho việc hoạch định chính sách phát triển đất nước trong Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII. Giải quyết những khó khăn, thách thức ấy là việc của năm mới 2020 với sự chung tay của cả xã hội.

Quốc Huy