Bốn dự án lớn kể trên bao gồm dự án đường dẫn dầu khí (813 triệu USD) nối giữa Malacca với dự án phát triển tích hợp lọc hoá dầu Petronas ở Pengerang, dự án đường sắt ECRL (20 tỷ USD) và 2 dự án đường ống dẫn dầu khác (2,3 tỷ USD) ở bang Sabah. Các dự án này sẽ là gánh nặng lớn đối với Malaysia khi nước này bị phụ thuộc tài chính, nhân công và nguyên vật liệu nhập khẩu của Trung Quốc bởi số vốn vay lớn, thời gian thi công kéo dài và nhân công Trung Quốc.
Việc đánh giá lại các dự án đầu tư từ Trung Quốc cũng nằm trong lộ trình này nhưng Malaysia đã biết chọn đúng thời điểm để “tìm lại công bằng” trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc khi Bắc Kinh đang gặp khó trong chiến tranh thương mại với Mỹ và Malaysia là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Bên cạnh đó, với việc kim ngạch thương mại song phương ở mức khoảng 70 tỷ USD năm ngoái và việc Trung Quốc là nhà thầu lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng ở Malaysia thì Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải có sự nhượng bộ.
Thời điểm chín muồi đã đến. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad vừa có chuyến thăm chính thức kéo dài 5 ngày tới Trung Quốc để điều chỉnh lại mối quan hệ song phương. Tại cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà, ông khẳng định thương mại tự do phải là thương mại công bằng và đây là con đường mà cả thế giới cần hướng tới. Đây được xem là thông điệp của ông Mahathir với Bắc Kinh rằng Malaysia muốn một mối quan hệ thương mại cân bằng và không bị quá phụ thuộc vào nước ngoài.
Thông điệp của ông Mahathir Mohamad ngắn gọn, rõ ràng nhưng cũng đầy uy lực bởi các dự án lớn với Trung Quốc ở Malaysia đều đang bị dừng và Malaysia còn bóng gió sẽ chấp nhận đền bù nếu các dự án này bị hủy bỏ. “Mềm nắn, rắn buông”, Bắc Kinh không dễ dàng bỏ qua những hợp đồng lớn như trên với Kuala Lumpur bởi họ vừa là bên cho vay vốn, vừa cung câp công nghệ và nhân công. Nay nếu bớt đi chút lãi, tăng tỉ lệ nhân công người bản địa và lại giữ được mối quan hệ với Malaysia thì vẫn là phương án tốt và hai bên cùng có lợi.
Các thỏa thuận cụ thể giữa hai bên chưa được tiết lộ đầy đủ sau chuyến đi này nhưng có thể thấy những tuyên bố và cách làm của Chính phủ mới của Malaysia đang phát huy tác dụng khiến Trung Quốc phải có sự nhượng bộ.
Gặp gỡ Thủ tướng Malaysia, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều đưa ra cam kết về phát triển quan hệ hữu nghị hai nước, thúc đẩy hợp tác trong kỷ nguyên mới. Điều này cho thấy Bắc Kinh muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Malaysia và theo đó, chắc chắn các hợp đồng kinh tế kể trên sẽ được điều chỉnh theo hướng công bằng hơn như Malaysia mong muốn.
Hưng Nguyễn