Ghi chép của Chi Phan
Tàu HQ.996 là tàu khách chuyên dụng đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam. Nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tàu: Chở các đoàn cán bộ Đảng, Nhà nước, quân đội ra thăm, làm việc với quân dân huyện đảo Trường Sa; đồng thời thay, thu quân và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đột xuất khi có lệnh.
Tàu HQ.996 do Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng chế tạo; được hạ thủy và bàn giao, đưa vào sử dụng ngày 27-12-1994. Tàu dài 70m, rộng 11,8m; lượng giãn nước 2.050 tấn; có 2 máy, với mã lực tương đương một đầu máy xe lửa; vận tốc tối đa 12 hải lý/giờ; dầu chạy dự trữ 300 tấn và nước ngọt 485 tấn, hoạt động liên tục được 45 ngày.
Qua hơn 17 năm hoạt động, với trên 100 chuyến hải trình an toàn, tàu HQ.996 đã vinh dự được đưa đón nhiều đoàn cán bộ của Đảng, Nhà nước, quân đội ra thăm và làm việc với các đảo nổi, đảo chìm, quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Trong tất cả những chuyến đi đó, mỗi chuyến chở được 200 khách; nhờ tinh thần đoàn kết, nhất trí cao của cán bộ chiến sĩ, khi thực hiện nhiệm vụ và tính sáng tạo hợp lý lúc gặp những tình huống đặc biệt khó khăn nên tàu đều hoàn thành tốt công việc, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Năm 2011, tàu thực hiện 8 chuyến đi biển, trong đó có 6 chuyến chở các đoàn đại biểu và 2 chuyến thay quân; đi được 10.047 hải lý an toàn. Đặc biệt, rất vinh dự cho cán bộ, chiến sĩ tàu HQ.996, được cấp trên tin tưởng, giao nhiệm vụ chở Đoàn “Hành trình theo dấu tích Đường Hồ Chí Minh trên biển”, do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Quân chủng Hải quân, phối hợp tổ chức. Đây là một trong những hoạt động lớn, kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Qua học tập và giao lưu với các CCB đoàn tàu không số và những đoàn viên thanh niên, đại diện cho tuổi trẻ cả nước, mỗi cán bộ, chiến sĩ của tàu được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của những chuyến hải trình, với phương châm “hiếu khách, chu đáo, an toàn”.
Hiện nay, tàu HQ.996 có 26 cán bộ, chiến sĩ, tất cả đều là đảng viên, có trình độ đại học và trung cấp chuyên ngành. Ban chỉ huy tàu có: Trung tá, thuyền trưởng Nguyễn Văn Đoàn; thiếu tá, chính trị viên Đào Trọng Vĩnh; hai thuyền phó là thượng uý Hoàng Đình Duyến và trung uý Hoàng Xuân Giang. Ngoài ra, tàu còn có các ngành: hàng hải (lái tàu), thông tin vô tuyến, ra-đa, boong, cơ điện và bộ phận phục vụ.
Để thực hiện cho mỗi chuyến hải trình, công tác chuẩn bị phải mất nhiều ngày; từ sơn sửa lại thân tàu, kiểm tra, bảo quản thiết bị đến tích trữ lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt. Chính trị viên Đào Trọng Vĩnh cho biết: Chỉ riêng khâu lương thực, thực phẩm, cán bộ, chiến sĩ cũng phải chuẩn bị 3 - 4 ngày. Bộ phận quân nhu lên kế hoạch thật chi tiết thực đơn, định lượng, định suất mỗi bữa ăn. Thịt, cá, rau, củ, quả mang lên tàu, y sĩ, thượng uý chuyên nghiệp Trần Văn Ngọc phải kiểm tra kỹ lưỡng, bảo đảm tươi, ngon, có nguồn gốc, bảo quản trong ngăn lạnh; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trên tàu có hai bộ phận phục vụ riêng biệt. Một bộ phận phục vụ cho cán bộ, chỉ huy, thủy thủ, do bếp trưởng Lê Văn Mạnh phụ trách; một bộ phận khác, gồm 15 người của Lữ đoàn 146 tăng cường, do bếp trưởng Phạm Hồng Sơn phụ trách, phục vụ cho gần 200 khách. Với số người như vậy và ăn hai bữa chính, hai bữa phụ trong một ngày, anh em trong tổ của Sơn chỉ được ngủ 3 tiếng trong đêm; 3 giờ đã phải dậy chuẩn bị bữa sáng. Hơn nữa, để mỗi bữa ăn của khách được ngon miệng, anh em thường xuyên thay đổi món và thăm dò khẩu vị của mọi người nhằm cải tiến cho phù hợp.
Tranh thủ ít phút thư giãn, Phạm Hồng Sơn, giọng Thanh Chương, Nghệ An, tươi cười, tâm sự: “Làm “anh nuôi”, chỉ mong khách ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc là anh em thấy vui rồi! Mọi thứ mệt nhọc sẽ tan biến theo sóng biển…”.
Ở trên tàu, ăn uống đã vậy, còn tắm rửa, giặt giũ. Nước phục vụ cho cả đoàn trong thời gian tàu hoạt động từ 10 đến 12 ngày, trữ lượng lên tới 800m3. Do vậy nước đủ dùng cho mọi người. Y sĩ Trần Văn Ngọc, tốt nghiệp Trường trung cấp quân y 2 từ năm 1999, đã có thâm niên 5 năm công tác trên quần đảo Trường Sa và về tàu 996 phục vụ được gần một năm nay. Anh luôn luôn quan tâm đến nước sinh hoạt dùng cho khách ở 3 tầng với 196 giường nằm và 9 phòng VIP, dành cho cán bộ cấp cao. Hàng ngày, y sĩ đôn đốc nhân viên làm vệ sinh môi trường; chống muỗi, chuột, gián và xử lý, chăm sóc kịp thời cho những người bị say sóng. Có lần, một nhà báo tỉnh Ninh Thuận, tuổi cao, sức yếu, bị mệt nặng. Trần Văn Ngọc đã thức mấy đêm liền, điều trị bằng thuốc tây y và vận dụng cả bài thuốc gia truyền để giúp bệnh nhân qua khỏi.
Có thể nói, trong mỗi chuyến hải trình, cán bộ, chiến sĩ ở các bộ phận phục vụ trên tàu HQ.996 đều vất vả, hoạt động “hết công suất”. Song có lẽ, đáng nói nhất là bộ phận cơ điện hoặc ngành cơ điện; đó là “trái tim của con tàu”. Ngành này do đại uý, kỹ sư Phạm Văn Thân phụ trách. Ngoài ra, còn có các sĩ quan chuyên nghiệp cùng làm việc: Vũ Thái Trọng, Nguyễn Văn Mỵ, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Trung và một số nhân viên kỹ thuật tăng cường. Liên tục ngày đêm, các anh phân ca kíp trực; mỗi kíp hai người, trực trong 3 giờ liền, dưới hầm máy có tiếng ồn lớn và độ nóng tăng 4 - 5 độ so với thời tiết bên ngoài.
Kỹ sư Phạm Văn Thân cho biết: Lúc bình thường thì không có hiện trạng gì, nhưng khi tàu đi trong bão lớn hoặc sóng to, gió mạnh, mỗi sự cố của máy sẽ làm tê liệt toàn tàu, dẫn đến hậu quả nguy hiểm: Tàu bị thả trôi, thậm chí bị sóng đánh chìm… Gặp những tình huống như thế, anh em kỹ thuật phải hết sức bình tĩnh, đồng tâm hiệp lực, nhanh chóng tìm mọi cách sửa chữa bằng được máy móc hư hỏng.
Chính trị viên Đào Trọng Vĩnh bộc bạch: “Chúng tôi đã quen với những chuyến đi biển; mỗi lần ra khơi là quá trình thử thách thực sự về sức khoẻ, ý chí, bản lĩnh đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ. Ước tính mỗi năm, “con ngựa biển” dày dạn sóng gió này phải hoạt động tám, chín tháng trên biển Đông. Nhiều chuyến hải trình kéo dài vài ba chục ngày, tàu tác nghiệp độc lập, trong điều kiện thời tiết diễn biến rất phức tạp. Chính trong những thời điểm đó, mọi người gác lại các chuyện riêng tư gia đình, đoàn kết vượt qua khó khăn, gian khổ thực thi nhiệm vụ”.
Còn trung tá, thuyền trưởng Nguyễn Văn Đoàn thì lại coi con tàu như mái ấm gia đình của mình… Anh ví von rất có ý nghĩa: Chúng tôi luôn chăm lo từng li từng tí cho con tàu; “nó” mà “đau ốm” thì chúng tôi cũng bỏ ăn.
Những năm qua và hiện nay, cùng với nhiều con tàu vận tải khác của Hải quân, tàu HQ.996 thực sự đã gắn bó với các đảo trên quần đảo Trường Sa. Thượng tá Đinh Văn Hải, đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn xúc động nói: “Là lính đảo nên chuyện về phép rất hiếm. Vì vậy, anh em luôn mong thư nhà và người từ đất liền ra thăm. Mỗi khi nhìn thấy tàu HQ.996, chúng tôi như nhìn thấy người thân, gia đình và quê hương…”.
Vào tháng 10-2011, tàu HQ.996 vinh dự được đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến xuống thăm tàu. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch nước, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, truyền thống anh hùng của hải quân nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất cấp trên giao, tiếp tục xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện…
C.P