Người dân thành phố Chennai xếp hàng nhận nước trợ cấp từ chính phủ.

Nước sạch luôn được coi là yếu tố mang tính chất sống còn đối với mỗi gia đình, mỗi quốc gia và cũng là vấn đề lớn mà thế giới phải đối mặt trong nhiều năm qua. Báo cáo do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 18-6 vừa qua cho biết hiện có hơn 2 tỷ người trên toàn thế giới không có nước uống bảo đảm an toàn.

Nghiên cứu của UNICEF và WHO cho thấy từ năm 2000 đến nay, có khoảng 1,8 tỷ người đã được tiếp cận với nước uống bảo đảm tiêu chuẩn an toàn. Thế nhưng vẫn còn một số lượng lớn người dân trên khắp thế giới chưa được tiếp cận với nguồn nước uống bảo đảm chất lượng và sẵn có. Ước tính, khoảng 785 triệu người, tương đương 1/10 dân số thế giới, vẫn thiếu các dịch vụ cơ bản, trong đó có 114 triệu người vẫn phải uống nước không sạch.

Dù tiếp cận với nước sạch là quyền của con người và là một trong những mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đề ra, song trên thực tế, việc bảo đảm quyền tiếp cận với nguồn nước sạch vẫn đang là mục tiêu nằm ngoài tầm với của phần lớn dân số thế giới. Báo cáo toàn cầu về tài nguyên nước do Liên hợp quốc công bố vào tháng 3 vừa qua cho thấy vẫn còn hơn 2 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường. "Tiếp cận với nước là quyền mang tính sống còn của mỗi con người. Tuy nhiên, hàng tỷ người vẫn bị tước đoạt quyền đó", Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay nêu rõ.

Đáng chú ý, một nửa số người uống nước từ các nguồn không được bảo vệ trên toàn thế giới là người dân ở châu Phi. Thống kê cho thấy chỉ có 24% dân số ở khu vực châu Phi cận Sahara được sử dụng nguồn nước uống an toàn. Thiếu nước sạch cũng dẫn tới vô vàn những gánh nặng khác ở “lục địa đen”. Chẳng hạn, phụ nữ và trẻ em gái ở khu vực này phải dành thời gian thu thập nước nhiều hơn so với thời gian để học tập hoặc làm những công việc khác. Hay như ở Malawi, quốc gia có hơn 4 triệu người (chiếm khoảng 1/3 dân số) thường xuyên không được tiếp cận với nguồn nước sạch, mỗi năm đều phải đối mặt với hàng loạt thách thức do nguồn nước gây ra, như: Dịch tả, bệnh tiêu chảy… Nếu xét trên phạm vi toàn thế giới, số người thiệt mạng vì các bệnh liên quan tới nguồn nước có thể còn cao hơn số người chết vì HIV/AIDS và sốt rét. Ngoài ra, tình trạng thiếu nước sạch cũng là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng đáng kể các cuộc xung đột về nguồn nước.

Có một thực tế rõ ràng là tình trạng khan hiếm nước sạch không bó hẹp ở bất cứ khu vực, quốc gia hay vùng miền nào. Theo BBC, Chennai-một trong những thành phố lớn của Ấn Độ, hiện cũng đang phải đối mặt với “cơn khát nước ngọt” nghiêm trọng sau khi 4 hồ chứa nước chính của thành phố này đã cạn kiệt. Cuộc sống thường nhật của người dân ở Chennai gần như bị đảo lộn hoàn toàn vì thiếu nước. Trong khi người dân hằng ngày phải xếp hàng để lấy nước trợ cấp từ chính phủ, nhiều nhà hàng, khách sạn, công ty phải tạm đóng cửa vì không có nước sạch để duy trì hoạt động. Tình thế nguy cấp đến mức một quan chức của thành phố này phải nói rằng nếu trong những ngày tới không có mưa, Chennai sẽ đối mặt với một thảm họa thực sự, thậm chí đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn.

Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2025 sẽ có 30 quốc gia rơi vào tình trạng khan hiếm nước. Dân số bùng nổ, nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cũng đồng nghĩa với việc tài nguyên nước ngọt tiếp tục suy giảm. Thế nên, tình trạng thiếu nước sạch ở nhiều khu vực trên toàn thế giới chắc chắn chưa thể chấm dứt và đòi hỏi mỗi quốc gia cùng cộng đồng quốc tế phải nỗ lực hơn nữa nhằm tìm cách làm dịu “cơn khát” dai dẳng ấy.

ANH VŨ