**
**TRẦN ĐĂNG KHOA

Không đào tạo nhà thơ được cháu à. Ai có năng khiếu thơ thì phát hiện, bồi dưỡng. Vì thế, Hội Nhà văn Việt Nam mới có Trường Bồi dưỡng những người Viết văn trẻ ở Quảng Bá, Hà Nội, do cụ Nguyên Hồng làm Đốc học, nơi ấy bây giờ là Bảo tàng Văn học Việt Nam. Mỗi khóa học 9 tháng, có cấp chứng chỉ tương đương như Bằng tốt nghiệp cháu à. Bác Trần Nhuận Minh nhà chú đã học khóa ấy, còn chú học Trường Viết văn Nguyễn Du, hệ đại học ở Hà Nội, trước khi sang tu nghiệp 5 năm ở Học viện Văn học Mácxim Gorki của Liên Xô. Ở Đức cũng có trường tương tự là Trường Besơ. Các trường này là những trường đại học đặc biệt, cung cấp các kiến thức cơ bản về các mặt theo yêu cầu của việc sáng tác cho nhà văn nhà thơ. Chứ còn sáng tác, với tư cách là một sáng tạo thẩm mĩ đặc biệt và vô cùng đơn độc thì không có trường nào dạy cả cháu ơi. Chú đã qua cả mấy trường đó, đặc biệt là đã theo học cả hai trường Nguyễn Du và M. Gorki, chú biết rất rõ điều đó mà.

Sáng tác là một nghề chủ yếu do nhà thơ (nhà văn) tự đào tạo mình, qua kinh nghiệm sống, với những trải nghiệm, đôi khi thăng trầm của chính cuộc đời mình, trong những va đập của thời cuộc và sau nữa, là sự tự học. Cụ Đỗ Phủ bảo:

Đọc sách vỡ muôn quyển

Hạ bút như có thần.

Để “hạ bút” được “như có thần”, thì phải đọc “vỡ” hàng vạn cuốn sách. Đấy là học qua những thành tựu và kinh nghiệm tạo dựng tác phẩm của những “nhà” đi trước. Sự học ấy sẽ bồi dưỡng thêm cho mình, bổ khuyết những điều mình thiếu, mình cần nâng cao, chứ cái năng khiếu ban đầu, cái năng lực sáng tạo để cuối cùng hoàn thiện tác phẩm, thì không một trường nào đào tạo được. Vì thế, chúng ta mới có nhiều nhà thơ rất khác nhau. Nhiều nhà thơ (nhà văn) trở thành những tên tuổi lớn, thậm chí rất lớn của đất nước, của cả nhân loại, mà vốn liếng trường ốc có được bao nhiêu đâu...

TĐK