Ở cùng khu phố lại đều là CCB với nhau nên chúng tôi vẫn thường được ông Việt kể cho nghe về những kỷ niệm của đơn vị ông với cô Nết-nữ biệt động Sài Gòn: Sáng ngày 30-4-1975, sau khi Sư đoàn 10 (thuộc Quân đoàn 3) đánh chiếm xong một số mục tiêu đã định, ông Việt khi đó là Thượng sĩ, Tiểu đội trưởng Tiểu đội xe, thuộc Phòng hậu cần Sư đoàn 10, lái chiếc zeép (chiến lợi phẩm) có gắn máy thông tin 2W và rơ-moóc, đưa đồng chí Võ Khắc Phụng-Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 10 cùng một số sĩ quan chỉ huy tổ chức đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. Trên xe có một thiếu nữ độ 20 tuổi, gương mặt tươi sáng, đội mũ tai bèo, luôn luôn mang khẩu tiểu liên AK bên mình. Đó là nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Nết (biệt hiệu: Nguyễn Thị Trung Kiên, nguyên mẫu nhân vật Cô Nhíp trong bộ phim truyện cùng tên - bộ phim đầu tiên của điện ảnh miền Nam sau ngày giải phóng).
Theo sự dẫn đường thông minh, chủ động và linh hoạt của cô Nết, đội hình tấn công vừa vận động, vừa chiến đấu, vượt qua mọi trở ngại, thần tốc xốc tới. Khoảng hơn 10 giờ đơn vị đã tiếp cận Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Lúc ấy, khu cổng chính còn nguyên những hàng rào bùng nhùng. Anh Phụng ra lệnh cho pháo thủ xe tăng nổ súng dọn chướng ngại vật. Đạn cày mặt đường nhựa, quét bay một đoạn hàng rào. Cô Nết nhanh nhẹn xuống xe cùng bộ đội ào ào tiến vào, chiếm mục tiêu...
Suốt buổi chiều hôm đó, cô Nết ở lại giúp bộ đội. Các chiến sĩ trẻ, lần đầu tiếp xúc với TP Sài Gòn vừa được giải phóng, không tránh khỏi bỡ ngỡ. Cô Nết đã cùng chỉ huy đơn vị chỉ dẫn tỷ mỉ cho anh em. Đặc biệt là nhắc nhở các chiến sĩ chú ý kỷ luật dân vận, không mất cảnh giác... Bức ảnh các nhà báo chụp cô bên các chiến sĩ đứng trên xe tăng sau khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, được dùng làm bìa lịch Tết năm 1976, chính là bức ảnh cô Nết cùng các chiến sĩ của đơn vị ông Việt chụp kỷ niệm hôm đó.
Bữa cơm tối ngày 30-4, cô Nết cùng bộ đội vừa ăn vừa trò chuyện như người trong một gia đình, thân thiết vô cùng. Ai cũng mong sau này được đón cô Nết và các chiến sĩ biệt động Sài Gòn về thăm miền quê các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10, để cùng ôn lại những kỷ niệm về Sài Gòn giải phóng.
Đã 40 năm trôi qua. Ông Việt và những người bạn chiến đấu ngày ấy, nay ở khu vực Hà Nội như Thiếu tướng Phùng Bá Thường, nguyên Hiệu trưởng Trường sĩ quan Hậu cần, ông Y ở Đức Hòa, Đức Giang, ông Đặng Văn Lợi ở TP. Bắc Ninh... vẫn thường xuyên liên lạc, thông báo cho nhau chuyện vui, buồn.
Những lúc như thế, các ông thường nhắc tới cô Nết, mong biết tin tức về người nữ biệt động xinh đẹp, gan dạ, mưu trí, dũng cảm và thông minh ấy. Đó cũng là điều làm cho khu phố chúng tôi thêm vui vào những dịp kỷ niệm Ngày giải phóng 30-4 hằng năm.
Phạm Xưởng