Trung tâm hội nghị tỉnh Vĩnh Phúc hôm nay nhộn nhịp khác thường, băng-rôn, khẩu hiệu, cờ các màu phần phật trong gió sớm. Từng đoàn ô tô nối đuôi nhau dừng lại trước cửa chính hội trường lớn. Từ trong xe bước ra đều là CCB của các thành phố, huyện, thị xã về họp mặt. Ai cũng mang huân, huy chương lấp lánh, nét mặt mừng vui, tay bắt mặt mừng, có đôi ôm chầm lấy nhau, miệng cười mà nước mắt cứ trào ra. Lần đầu tiên cấp tỉnh tổ chức họp mặt với gần 300 đại biểu thay mặt cho trên 5.200 cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn trong tỉnh. Có một Trường Sơn tề tựu và ấm cúng trong tình yêu thương của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc.

CCB Trần Văn Đức (phường Đống Đa, TP Vĩnh Yên), năm nay 71 tuổi. Ông không ở bộ đội ngày nào nhưng từ năm 1970 đến 1973, Bộ Giao thông vận tải điều vào Công trường 71, giám sát kỹ thuật mở rộng các tuyến đường ngang trên Trường Sơn. Do máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, ông lại về làm Trưởng ban kỹ thuật, đoạn từ động Phong Nha đi Đồng Tiến, đến đường 9, Nam Lào, dài 68 cây số. ông tâm sự: Đoạn đường này quân bình cứ mỗi mét là một người hy sinh, 68 km thì có 6.800 chiến sĩ ngã xuống vì bom đạn kẻ thù. Lúc đầu tôi cũng lo, sau làm theo bộ đội, TNXP mà quen dần, chỉ có một lần mảnh bom bằng hai ngón tay bay sát lưng nóng hổi rồi cắm vào miếng ván bên cạnh. Sau đó ông đi học cao đẳng rồi đại học Giao thông vận tải, công tác đến năm 1993 thì nghỉ hưu.

Chị Tạ Thị Xuyến (xã Tám Hợp, Bình Xuyên) năm 1973 vừa tròn 19 tuổi đã vào Đông Hà (Quảng Trị) làm nhân viên kho K2, Cục Hầu cần, Đoàn 559. Chị cho biết: Từ cuối năm 1974 chuẩn bị phục vụ các chiến dịch mùa xuân 1975 nên hàng quân nhu, quân trang, lương thực, thực phẩm từ ngoài miền Bắc chuyển vào rất lớn. Đơn vị có 16 người thì 12 người là nữ, không kịp làm kho, chỉ phân lô, phân loại rồi yêu cầu chở ra quả đồi nào đấy, dỡ xuống trùm bạt lên. Chúng tôi cũng ở nhà bạt. Khu kho rộng hàng cây số vuông và san sát những đống bạt chùm kín. Ban đêm chị em chia nhau canh gác, mỗi đêm 3 ca, mỗi ca 2 người, quy định nếu thấy động thì bắn chỉ thiên.Vài ngày sau lại có đoàn xe khác đến nhận hàng. Khó nhất là phải cấp đúng tuyến, đúng hàng như tuyến Buôn Ma Thuột hàng quân y, tuyến Công Tum hàng quân trang, tuyến Đà Nẵng hàng thực phẩm….

Chị Ngô Thị Nguyệt, trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sơn của tỉnh, sinh 1954, vào chiến trường làm nuôi quân rồi về Tiểu đoàn xe 30. Đơn vị chở hàng đi đâu chị theo đấy để bảo đảm xăng dầu. Tháng 11-1974, đoàn xe tới gần Buôn Ma Thuột, chiếc đi đầu đè phải mìn chống tăng, chị Nguyệt ở phía sau bị sức ép phải chuyển dần theo các đội điều trị ra tới Viện 9 (Vĩnh Linh) rồi lại trở vào Đắc Lắc phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh. Xuất ngũ năm 1977, đến năm 2002 chị bị liệt nửa người, sau đó lại lên u ở kheo chân và bả vai phải do bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Vừa lặng lẽ chạy chữa, vừa lo cho con bị di chứng nhưng rất may 4 người con của chị đều bình thường. Tuy vợ chồng chị không có trợ cấp, nhưng từ năm 2004 đến nay, năm nào chị cũng dành từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng để giúp đỡ đồng đội khó khăn.

Thiếu tá Trần Kim Xuân, năm nay 73 tuổi, 38 năm phục vụ quân đội trong Tiểu đoàn công binh 93. Ông chiến đấu 52 trận, trực tiếp phá 154 quả bom từ trường, 550 quả bom vướng, 119 quả bom tai hồng, 471 quả mìn vải, 7 quả bom bi, 12 quả bom xuyên, 8 mìn chống tăng, tháo 6 đầu nổ bom từ trường và 75 đầu nổ các loại, được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT năm 1978. Nghỉ hưu năm 1990, ông lại được Bộ tư lệnh Trường Sơn trưng dụng, từ 1995 đến 1998 ông phá gỡ 14.538 quả bom mìn các loại để xây dựng đường điện 500 KW Bắc- Nam và đường tây Trường Sơn. Hiện ông là Chủ tịch Hội CCB xã Đình Chu, Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sơn huyện Lập Thạch. Hơn 5.000 người con của Vĩnh Phúc là hơn 5.000 cách cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc trên dải Trường Sơn.

Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu: Thật tự hào là các bác, các anh chị đã chịu nhiều gian khổ hy sinh trên đường Trường Sơn, khi về với đời thường lại phát huy truyền thống anh hùng, gương mẫu nuôi dạy con cháu, xây dựng gia đình văn hoá, tích cực tham gia công tác đảng, chính quyền và đoàn thể, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội, ổn định chính trị của địa phương.

Tô Kiều Thẩm