Công nhân Công ty KaiYang (Hải Phòng) chờ đợi được vào làm việc.

Một thông tin gây chấn động dư luận,  khi ngày 12-8, gần 3.000 công nhân có mặt tại Công ty TNHH KaiYang (số 196, đường Hoàng Quốc Việt, quận Kiến An, T.P Hải Phòng) đến Công ty làm việc thì nhận được thông tin lãnh đạo doanh nghiệp biến mất, các nhà xưởng đóng cửa, ngừng hoạt động. Tổng giám đốc và 17 cán bộ, kỹ thuật người Đài Loan đi khỏi Công ty khi còn nợ 21 tỷ tiền lương; 9 tỷ đồng bảo hiểm và vay nợ các ngân hàng Việt Nam 150 tỷ đồng, gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội và tình hình trật tự xã hội địa phương.

Đây là chuyện mới nhất trong những chuyện “các ông chủ bỏ trốn” xảy ra đã nhiều năm qua ở các địa phương nước ta. Theo Bộ KHĐT, số các chủ doanh nghiệp “bỏ trốn” có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở Việt Nam đã lên đến mức đáng báo động là 500 doanh nghiệp trải đều trên địa bàn cả nước, nhất là những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; chủ yếu hoạt động trong các dự án có quy mô nhỏ (dưới 500.000 USD).

Nguyên nhân chính chủ yếu là do hầu hết các doanh nghiệp làm ăn không có lãi, thậm chí thua lỗ. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp FDI này hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh không lành mạnh, nhằm trục lợi và khi huy động được vốn, chủ đầu tư nước ngoài liền bỏ về nước, bỏ lại vỏ doanh nghiệp. Trên thực tế, những vụ việc nhà đầu tư “bỏ nợ chạy lấy người” như KaiYang Việt Nam không phải là hiếm. Ở T.P Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… đã xảy ra nhiều chuyện như vậy.

Có thể nhắc tới chuyện Lifepro Việt Nam (Ninh Bình), hay Kenmark (Hải Dương), rồi chuyện Ado Vina, Amanda, thép Quatron... “cao chạy xa bay”, để lại khoản nợ hàng chục tỷ đồng. Theo thống kê của Liên đoàn Lao động T.P Hồ Chí Minh, trong  những năm 2013-2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 20 trường hợp doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn. Theo đó, 4.282 người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp may (với 3.746 người lao động).

Tổng số tiền doanh nghiệp nợ lương là hơn 23 tỷ đồng, nợ phép năm là hơn 700 triệu đồng và nợ bảo hiểm xã hội là hơn 58 tỷ đồng… Những vụ việc như vậy để lại một khối lượng công việc không nhỏ phải xử lý từ giải quyết chế độ cho người lao động, rồi làm thủ tục phá sản, thanh lý tài sản, giải quyết nợ nần. Các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng ở địa phương đang nhanh chóng vào cuộc, xử lý hậu quả giữ vững an sinh xã hội và trật tự xã hội.

Đất nước ta đang vào thời kỳ hội nhập, mở cửa, hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài mang vốn, kỹ thuật vào hoạt động ở nước ta, đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, do nhiều lý do, không ít chủ doanh nghiệp FDI dạng này đã "mất tích" hoặc "bỏ trốn" trong khi vẫn còn nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động, gây nên nhiều hệ lụy về KTXH cho các địa phương, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người lao động.

Việc các chủ doanh nghiệp bỏ trốn sau một thời gian hoạt động cũng có nguyên nhân từ việc không có các quy định, cũng như chế tài hậu kiểm việc góp vốn của doanh nghiệp, buộc chủ đầu tư dự án phải ký quỹ, đặt cọc. Bên cạnh đó, các quy định khi phá sản doanh nghiệp phức tạp cũng là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp "mất tích" mà không cần phải thực hiện bất cứ thủ tục gì, đẩy trách nhiệm giải quyết hậu quả cho địa phương nơi doanh nghiệp đầu tư. Để giải quyết tình trạng này, cần quản lý, giám sát chặt chẽ hơn doanh nghiệp FDI hậu cấp phép. Các cơ quan quản lý cần thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ, nếu phát hiện doanh nghiệp nợ thuế, nợ BHXH với số tiền lớn thì phối hợp giải quyết, ngăn chặn không để những trường hợp tương tự xảy ra. Đối với người lao động, cần giữ bình tĩnh, tin tưởng vào chính quyền, vào tổ chức Công đoàn, tránh để xảy ra những chuyện phức tạp không đáng có.

* Thông tin mới nhất, ngày 20-8, Ban lãnh đạo mới của Công ty KaiYang đã tiếp quản Công ty và có buổi đối thoại với người lao động, sớm ổn định tình hình.

Thanh Huyền