Dự án cao tốc Bắc - Nam đang thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, và nhân dân.

Dự án đường Cao tốc Bắc - Nam đang thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, nhất là quanh câu chuyện tìm nhà đầu tư nên chọn trong nước hay nước ngoài.

Đây cũng là vấn đề nóng mà người dân rất quan tâm. Hầu như ở đâu, đến đâu, người ta cũng bàn về vấn đề này. Nhà thơ nổi tiếng, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, Đại tá, CCB Vương Trọng với bút danh Thảo Dân, trong trang Facebook của mình cũng đưa ra ý kiến rất ngắn, chỉ phong phanh có mấy chục chữ, nhưng vấn đề đặt ra lại rất thiết thực, nên tôi trích ra đây, cùng ý kiến của rất nhiều người dân, cộng thêm ý kiến của riêng mình, chuyển đến các nhà chức trách, để các vị rộng đường tham khảo trước khi quyết định một vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm manh áo của dân.

Cứ như ý kiến của Đại tá Vương Trọng thì Dự án đường cao tốc Bắc - Nam tốt nhất là để các doanh nghiệp trong nước làm.  Ông cho rằng, trước hết phải làm công tác tuyên truyền cho dân hiểu rằng, đường cao tốc là rất cần thiết và quan trọng để phát triển đất nước. Nhưng nợ công ta đã quá cao, không thể vay thêm nước ngoài nữa, vì vậy Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp cùng làm. Và ông đề nghị phương thức huy động vốn như sau: Tăng giá mỗi lít bia, mỗi lít rượu, mỗi bao thuốc lá, mỗi lít xăng thêm 1.000 đồng. 11 triệu người hưởng lương, mỗi người một tháng góp một ngày lương, kéo dài trong 36 tháng.

Theo tính toán sơ bộ, đường cao tốc Bắc - Nam cần 325.435 tỷ đồng, thì mấy khoản trên cũng đã thu được trên 150.000 tỷ đồng, tức xấp xỉ một nửa số tiền cần thiết. Số còn lại Nhà nước lấy từ ngân sách và sự đóng góp của các doanh nghiệp tham gia làm đường cao tốc.

Nếu nhân dân thông suốt việc cần phải làm đường cao tốc Bắc - Nam, thì dù gian khổ, khó khăn đến mức nào họ cũng không sợ. Nhớ hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, dân đói là thế, mà khi Nhà nước kêu gọi "Hũ gạo nuôi quân", dân tự nguyện thực hiện, mỗi bữa nấu cơm bớt ra một nắm gạo, cho vào hũ, để cuối tháng cả làng tập trung lại gửi đi nuôi bộ đội!

Tất nhiên còn có thêm nhiều phương án tối ưu hơn nữa để huy động sức dân cho công trình quan trọng này. Cũng theo Đại tá Vương Trọng: “Nếu thực thi phương án này thì phải thành lập ngay Ban Dự án đường cao tốc Bắc - Nam mới, gồm những người “nói không với phong bì”…

Còn ông Trương Gia Bình - Tổng Giám đốc tập đoàn FPT thì nói rằng: "Nếu được giao, doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ cần 10 năm là hoàn thành toàn bộ Đường cao tốc Bắc - Nam".

Thế thì vì lý do gì mà có vị lãnh đạo Bộ này, Bộ kia cứ khăng khăng cho rằng phải chọn nhà đầu tư nước ngoài?

Chọn nhà đầu tư nước ngoài cũng có nhiều công trình đạt kết quả tốt, nhưng cũng không ít công trình đưa ta vào thế “sống dở, chết dở”. Điển hình như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông? Đoạn đường ngắn choặn chỉ có 13km thôi mà hơn 10 năm vẫn chưa hoàn thành. Đường chưa đâu vào đâu mà hằng năm chúng ta đã phải trả một khoản nợ  rất khủng. Đống nợ giờ đã “cao hơn núi”. Đến nỗi, theo giới chuyên môn, phải hơn một nghìn năm, nghĩa là bằng thời gian Lý Công Uẩn làm Chiếu dời đô ra Thăng Long, may lắm chúng ta mới có thể thu được vốn mà chúng ta đã bỏ ra để làm con đường ma quái này. Đây là dự án tệ hại nhất trong các dự án tệ hại kinh hoàng kể từ khi thành lập nước đến nay.  

Trong khi đó tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, toàn bộ dự án đều do doanh nghiệp trong nước đảm nhiệm. Vốn huy động cũng chủ yếu từ nguồn lực trong nước, có vay của nước ngoài, nhưng không đáng kể. Vậy mà đang là tuyến đường đẹp nhất hiện nay, cũng là tuyến đường bền nhất, lại mới nối dài đến Quảng Ninh, đi chỉ mất 90 phút, thay vì trước đây phải gần 1 ngày; trong khi phí lại giảm từ 200 nghìn đồng, xuống còn 150 nghìn đồng.

Còn có một cách huy động nữa mà tôi tin rất hiệu quả: Cho dân được tham gia làm nhà đầu tư. Rồi tuỳ theo vốn đóng góp mà hằng tháng trả cổ tức cho họ. Rồi cho dân giám sát. Giám sát làm đường và giám sát thu phí ở các trạm BOT. Một ông CCB bảo tôi: Việc giám sát không khó. Cũng chẳng cần trình độ cao siêu gì. Xưa nay, bọn tham nhũng thường rút tiền bằng thiết kế. Thực tế 1 thì họ vẽ lên 3, khi thực làm chỉ làm 1 rồi rút tiền bỏ túi. Vậy tôi chỉ nắm mỗi thiết kế. Tiền đầu tư bao nhiêu, đút lót cho ai, tôi không cần biết, cũng không tò mò. Tôi chỉ xem anh làm có đúng như anh vẽ không.

Chỉ cần thế thôi, đường sẽ không bao giờ xuống cấp, cũng không thể thất thoát, dù chỉ một xu.

Trần Đăng Khoa