CCB, bác sĩ Nguyễn Văn Đồng cùng các y bác sĩ trong lễ xuất quân ngày 13-2-2020 tại Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc.
Bố tôi là Đào Bá Vi, ở thôn Chương Dương, xã Quang Khải, huyện Thường Tín, T.P Hà Nội. Từ nhỏ tôi đã được nghe kể, được tiếp xúc với không ít cô chú bạn bè, đồng đội của bố tôi. Và trong tôi luôn mang niềm tự hào là con của bố - bố là Bộ đội Cụ Hồ. Niềm tự hào ấy càng được nhân lên khi tôi có những cơ hội được làm nghề báo - cầm bút viết về bố, về những người CCB, đồng đội của bố.
Tôi viết về bố tôi
Gần 15 năm cầm bút, tôi có cơ hội được đi khá nhiều nơi, gặp và viết về nhiều người. Nhưng đúng là chưa bao giờ tôi nghĩ là viết về bố. Mặc dù những câu chuyện nghe bố tôi kể, những việc bố tôi làm đều là những chuyện đặc biệt - rất đặc biệt. Tôi không viết để đăng báo vì đó là chuyện của bố tôi.
Nhưng. Đến một lần. Một lần tôi được đi theo Đoàn CCB thăm chiến trường Thành cổ Quảng Trị, thăm Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn… Tôi giật mình nhận ra những hình ảnh hào hùng tôi vừa được tận mắt chứng kiến có hết trong những trang nhật ký của bố, mà tôi đọc đến thuộc lòng từng vần thơ, từng câu chữ, lời văn ông viết về những kỷ niệm chiến trường gian khó và hy sinh; mà vượt lên tất cả là ý chí quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc mình.
Khi tôi đứng bên dòng sông Thạch Hãn trong chiều lộng gió, tôi đã nhớ đến những câu chuyện kể của bố về 81 ngày đêm năm ấy. Vẳng bên tai tôi là lời bài hát: “Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ… Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/ Người vợ nào, người mẹ nào, ngậm ngùi nuốt lệ, khi chồng con không trở về…”.
Tôi bỗng nhớ những câu chuyện bố kể về chiến trường Bình Trị Thiên một thời gian khổ và hy sinh. Bất chợt tôi như cảm nhận rõ mỗi cành cây, ngọn cỏ nơi mảnh đất này chính là máu thịt, thoảng trong gió này là hơi thở, là vong hồn các anh, các cô chú, các bác, những đồng đội của bố tôi.
Khi tôi đứng trước những ngọn nến lung linh nơi Nghĩa trang Đường 9, hay khi tôi đứng trong vắng lặng nơi Nghĩa trang Trường Sơn trong buổi chiều đã nhuộm bóng hoàng hôn, tôi mới cảm nhận được rõ ràng nhất sự hy sinh vô bờ của cả một thế hệ ông cha, để chúng tôi có cuộc sống thanh bình hôm nay.
Chuyến đi thực tế ấy khiến tôi như được nhân lên niềm tự hào là con của một người lính, một bác sĩ Quân y đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường này.
Một đồng đội của bố, khi nghe tôi nói về cảm xúc chuyến thăm vùng đất cách mạng oanh liệt này, đã bảo tôi: “Cứ khai thác ở bố cháu ấy, vô vàn tư liệu để viết”. Lúc ấy tôi mới giật mình, vì sao trước giờ mình lại bỏ lỡ “kho tư liệu” quý giá này…
Đó là lần đầu tiên tôi viết về bố, về người CCB - bác sĩ Quân y. Tôi không thể nhớ chính xác từ đó tôi đã viết bao nhiêu bài báo khai thác từ “kho tư liệu” quý này. Tôi viết về cuốn nhật ký của bố, viết những câu chuyện chiến trường qua lời bố kể, về những cảm xúc của tôi mỗi dịp 27-7 hay 22-12; về công việc của người bác sĩ Quân y, về những kỷ niệm của tôi với người “chiến sĩ bố”… Mỗi lần viết về bố, trong tôi luôn là niềm tự hào, là tình cảm thiêng liêng, trân quý vô cùng.
Tôi viết về các CCB
Ấy là lần tôi theo những thầy thuốc CCB về tỉnh Vĩnh Phúc chống dịch.
Ngay từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên “tấn công” Vĩnh Phúc, Hội CCB Sở Y tế Vĩnh Phúc đã nếu cao quyết tâm tập trung vào công tác chuyên môn, tích cực điều trị các ca dương tính, cách ly các ca nghi nhiễm và phòng chống dịch lây lan trong cộng đồng. Trong số các bác sĩ CCB thực hiện công tác đó là bác sĩ CK1 Nguyễn Văn Đồng - Phó trưởng khoa bệnh không lây nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc.
Bác sĩ CCB Nguyễn Văn Đồng được cử dẫn Đoàn công tác gồm 5 y bác sĩ trực tiếp tăng cường cho Trạm Y tế xã Thiện Kế, Bình Xuyên. Nhận nhiệm vụ từ ngày 13-2, Đoàn y bác sĩ tăng cường phối hợp với Trạm y tế xã, Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe của xã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, ngăn chặn nguy cơ phát sinh ổ dịch mới.
Sau chuyến công tác lên Phòng khám đa khoa Quang Hà (Vĩnh Phúc) nơi cách ly các ca tiếp xúc gần và điều trị bệnh nhân Covid-19, tôi cố gắng lắm mới kết nối được với bác sĩ Nguyễn Văn Đồng để tìm hiểu công tác phòng, chống dịch.
Khi đó tình hình dịch bệnh chưa diễn biến căng thẳng như đợt dịch lần thứ tư đang tràn vào nước ta bây giờ, nhưng Vĩnh Phúc là “điểm nóng” với nhiều ca mắc, địa bàn này cũng có nhiều khu công nghiệp nên việc đề phòng lây nhiễm trong công đồng được nâng cao tối đa.
BS Nguyễn Văn Đồng cùng tổ công tác phải liên tục 21 ngày “cắm chốt” 24/24 tại trạm y tế xã. Các y bác sĩ chỉ đạo phun khử khuẩn toàn xã; điều tra, theo dõi sức khỏe toàn bộ 2.250 hộ dân với 8.850 nhân khẩu; khám phân luồng nguyên nhân ho sốt, ốm bệnh. Các trường hợp nghi ngờ được theo dõi ngay tại trạm. Khi phát hiện một trường hợp nghi ngờ mắc dịch là lập tức chuyển lên Phòng khám đa khoa Quang Hà cách ly; là đồng thời phối hợp với Trạm y tế xã điều tra những người tiếp xúc gần; là giám sát cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà và tiến hành phun khử khuẩn khống chế ố dịch.
Đáng nói chỉ chưa đầy 1 tháng sau đợt “cắm chốt” 21 ngày, đến ngày 27-3 khi tôi liên lạc lại thì được biết bác sĩ CCB Nguyễn Văn Đồng lại đang nhận nhiệm vụ trong khu cách ly Trung đoàn 834, thuộc Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc.
Có thể nói chính trong thời điểm khó khăn ấy, những CCB như bác sĩ Đồng đã thực sự phát huy tinh thần, ý chí của một bác sĩ CCB được rèn luyện, trưởng thành trong môi trường quân đội đã không ngại gian khó, hết lòng vì nhân dân, vì người bệnh.
Được gặp gỡ tiếp xúc, và viết về những tấm gương CCB bình dị trong cuộc sống như vậy, đối với tôi luôn là một cơ may, bởi tôi không chỉ được bồi đắp niềm tự hào được sinh ra là con của một người lính; mà còn học được những điều tốt đẹp từ tinh thần, ý chí cách mạng và sự tận tâm hết lòng vì người bệnh; được truyền tải những thông điệp tươi sáng đó tới bạn đọc…
Lê Na