Theo phản ánh, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hòa  và ông Nguyễn Thanh Hữu tiến hành cơi nới, sửa chữa diện tích vài trăm mét vuông mà không vấp phải  cản trở nào...

Có thể nói, quận Nam Từ Liêm và quận Hà Đông (T.P Hà Nội) có tốc độ đô thị hóa; phát triển hạ tầng xã hội “nóng” trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực trạng phát triển “nóng” đã kéo theo nhiều hệ lụy trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai ở địa phương. Những chuyện bi hài “kẻ khóc, người cười” cũng xảy ra.

Tại quận Nam Từ Liêm, trên địa bàn phường Phương Canh xảy ra câu chuyện người dân dựng hàng rào lưới thép B40 phía trước mặt căn hộ liền kề của Dự án nhà ở Hateco Apolo, khiến cho một bộ phận cư dân sinh sống tại dãy nhà liền kề thấp tầng của Dự án này “khóc dở mếu dở”. Chuyện chả là, ngày 15-5 vừa qua, sau nhiều lần thông báo cho Chủ dự án, người dân Tổ dân phố (TDP) Tu Hoàng 2, phường Phương Canh đã tiến hành dựng hàng rào phía trước các căn hộ liền kề thấp tầng Dự án nhà Hateco Apolo. Người dân cho rằng, họ rào trên đất của canh tác của họ được Nhà nước giao đất và thực tế diện tích họ rào, trước đây họ cũng đã từng cho đơn vị thi công Dự án mượn để làm đường vận chuyển vật liệu. Giữa hai bên có ký hợp đồng thầu mượn với nhau trong thời hạn 2 năm. Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn hợp đồng, vào một ngày “đẹp trời”, phần diện tích mượn của dân “bỗng nhiên” được bê tông hóa thành đường vào của Dự án?!

Người mua nhà thì cứ tưởng là có đường vào nhưng thực chất thì đường đó mới chỉ nằm trên quy hoạch, chưa được thu hồi đất để triển khai làm đường, thành ra bị hớ! Đáng nói, nhiều căn hộ đã được vào ở và thậm chí cho thuê lại để một số đơn vị mở cơ sở trông giữ trẻ mầm non. Khi người dân rào trên phần đất được cho là của họ, thì các cơ sở thuê lại những căn hộ liền kề của Dự án mới vỡ lẽ… hết đường đi vào nhà. Nhưng tình người không phải là cạn kiệt. Một số hộ dân TDP Tu Hoàng 2 khi rào lưới thép B40, đã bớt lại 0,8 đến 1m cho các hộ gia đình của Dự án lấy lối đi tạm vào nhà. Tuy nhiên, việc bớt lại lối đi nhỏ khiến cho nguy cơ gây thương tích cho trẻ nhỏ khi nô đùa, không may va phải hàng rào lưới B40 sắc nhọn… là điều khó tránh khỏi.

Thật trớ trêu. Giữa Thủ đô nhưng thực trạng một số hộ dân mua nhà liền kề của Dự án Hateco Apolo để ở thì lại không có lối vào và cũng chưa biết khi nào mới có đường chính thức để đi vào nhà của mình?

Trái ngược với sự việc rào chắn ở Dự án Hateco Apolo, tại Khu đất dịch vụ Cây Quýt, phường La Khê, quận Hà Đông lại xảy ra tình trạng ngược cảnh! Chuyện là, tại khu đất giáp với Khu đất dịch vụ Cây Quýt trước đây có khoảng đất trống (ao hồ), nhưng đã bị ai đó san lấp và mọc lên một dãy nhà xưởng, sau đó người sử dụng khu đất đã tự ý mở cổng ra khu đất dịch vụ Cây Quýt.

Trong khi, một số người dân có đất dịch vụ cho rằng, thời điểm năm 2013, khu đất dịch vụ Cây Quýt được Nhà nước giao trả đất dịch vụ khi thu hồi đất nông nghiệp của người dân La Khê, thì những hộ nhận đất dịch vụ đã phải đóng tiền
2 triệu đồng cho mỗi mét vuông đất dịch vụ để làm hạ tầng. Tiền của người dân có đất dịch vụ đóng để làm hạ tầng đẹp đẽ, bỗng dưng sau đó người sử dụng khu đất trống (theo phản ánh là đất lấn chiếm) sau khi dựng nhà xưởng lên thì vô tư mở lối ra khu đất dịch vụ Cây Quýt mà không gặp bất cứ trở ngại nào của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương.

Sự bất công giữa người có đất dịch vụ khu vực Cây Quýt phải đóng tiền để làm hạ tầng, còn người chiếm đất giáp khu đất dịch vụ này lại vô tư “xài của chùa” hạ tầng khu đất dịch vụ mà không phải mất đồng phí nào bỏ ra thì thật là trớ trêu, nghịch cảnh!

Một số ý kiến cho rằng, họ (người chiếm đất) được hưởng lợi từ việc không đóng tiền làm hạ tầng, rồi chiếm trọn diện tích đất (mà theo phản ánh là đất công) trong một thời gian dài; tiến hành xây dựng nhà xưởng rồi cho thuê, thu lợi cá nhân mà không thấy được xử lý, chắc chắn có “bảo kê”?

Từ đầu năm tới nay và những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 này, tại khu đất liên tục có xe công nông chở vật liệu xây dựng ra vào, khiến cho người dân có đất dịch vụ Cây Quýt vô cùng bức xúc; hạ tầng khu đất dịch vụ No03 (khu đất dịch vụ Cây Quýt) thì hư hỏng nặng, cuộc sống người dân khu đất dịch vụ Cây Quýt bị đảo lộn…

Hai câu chuyện, hai nghịch cảnh diễn ra ngay giữa Thủ đô mà không thấy có biện pháp ngăn chặn; không thấy sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khiến cho dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của cán bộ chuyên môn, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương này đang ở đâu? Đề nghị UBND quận Nam Từ Liêm, UBND quận Hà Đông sớm có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh tình trạng nêu trên, sớm trả lại cuộc sống thanh bình cho cư dân hai dự án!

Phản ánh tới chính quyền phường La Khê về vụ việc lén lút xây dựng trên khu vực đất giáp với khu đất dịch vụ Cây Quýt, ông Bạch Quang Đại - Phó chủ tịch UBND phường La Khê dường như rất “lơ mơ” về vị trí phóng viên phản ánh. Ông cho biết: “Không có công trình nào xây dựng trên đất công đâu”. Khi phóng viên nói rõ vị trí, chủ nhà đang xây dựng là ai, ông Đại mới quả quyết cho biết sẽ cử lực lượng xuống kiểm tra... Vị này cũng nêu lí do bận rộn chưa bố trí tiếp, làm việc với PV Báo CCB Việt Nam được là do phải tiếp các đoàn báo chí khác về lấy thông tin liên quan đến 77 lô đất mà Cơ quan CSĐT Công an T.P Hà Nội vừa phát đi thông tin yêu cầu tạm dừng giao dịch để làm rõ dấu hiệu vi phạm quy định bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn phường La Khê.
Lý do vẫn chỉ là lý do. Thực tế nhiều địa phương khác công tác quản lý TTXD, đất đai, rất nghiêm. Nhiều cá nhân có động thái xây dựng trái phép, đổ đất lấn chiếm ao hồ/đất công của Nhà nước, ngay lập tức bị lập biên bản, xử lý. Nhưng với công trình của nhà bà Hòa, ông Hữu - dù báo chí đã phản ánh tới chính quyền phường La Khê, nhưng sau đó không hiểu sao vẫn thấy diễn ra tình trạng xây dựng!...

Bài, ảnh:Chính Nhi - Võ Hóa