Chương trình 135 đã và đang tạo sinh kế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Báo cáo đánh giá sơ bộ giữa kỳ kết quả thực hiện CT 135 các tỉnh khu vực phía Bắc giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban Dân tộc chỉ rõ: Thời gian qua, CT 135 đã đầu tư cho 1.499 xã và 2.436 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc các tỉnh khu vực phía Bắc. Đến thời điểm này, nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho các tỉnh trên 7.500 tỷ đồng (chiếm 66,4% tổng số vốn phân bổ cả nước) và vốn ngân sách các địa phương tự cân đối để thực hiện Chương trình khoảng 1.000 tỷ đồng...

Chương trình được triển khai tại các địa phương với 3 tiểu dự án là: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Sau 2 năm triển khai, cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các tỉnh phía Bắc giảm còn 13,12% (giảm 5,36% so với cuối năm 2015).

Ý kiến của đa số các đại biểu tại Hội thảo đều cho rằng: Nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình đã từng bước nâng cao cơ sở hạ tầng, tạo ra được các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả; nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện của cán bộ cơ sở và cộng đồng đối với các hoạt động của CT135. Chương trình sẽ tiếp tục tạo được nhiều chuyển biến tích cực, làm thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội trên địa bàn các xã, thôn, bản ĐBKK.

Những tồn tại vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời là: Phân bổ nguồn vốn sớm hơn để đảm bảo tiến độ tổ chức thực hiện chương trình; thống nhất vốn giao hằng năm ngay từ đầu; Khuyến khích, nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả trong thực hiện CT 135; có chính sách khích lệ đối với xã hoàn thành sớm mục tiêu CT 135...

Trọng Bảo