Cách đây 60 năm, ngày 2-2-1960, tôi nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 907, Phân khu Quân sự Lai Châu. Trải qua huấn luyện xây dựng đơn vị, đại đội tôi được bổ sung cho Sư đoàn 316, Quân khu Tây Bắc (cũ) sang Lào chiến đấu giải phóng Luông Nậm Thà. Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế về nước, tôi chuyển ngành về công tác tại Mỏ than Vàng Danh (nay là Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin).

Được rèn luyện trong môi trường Quân đội, lại được công tác ở mỏ than hàng đầu của ngành với trên 90% là lực lượng thợ trẻ (có thời kỳ con dấu của mỏ mang tên “Mỏ than Thanh niên cộng sản Vàng Danh”). Hơn nữa, Mỏ than Vàng Danh lúc ấy bắt đầu thực hiện chế độ quân sự hóa, chuyển trạng thái hoạt động sản xuất đơn thuần sang trạng thái vừa sản xuất vừa chiến đấu khi đế quốc Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc. Tôi hòa mình ngay vào nhịp sống công nghiệp mỏ với tinh thần kỷ luật nghiêm minh như những năm tháng trong quân ngũ. Mùa thu năm 1965, tôi được lãnh đạo mỏ gửi đi dự một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trở về biên tập phục vụ cho công tác tuyên truyền trên Đài truyền thanh mỏ, do Phòng Hành chính quản lý. Tại đây, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, tôi được các bạn trẻ bầu làm Bí thư Chi đoàn thanh niên của phòng nhiều khóa liền.

Ngày 5-8-1964, không quân Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc và từ đó cho đến sau này, mỗi lần không lực Hoa kỳ thua đau, Mỹ càng đánh phá ác liệt vào các mục tiêu miền Bắc, trong đó có Mỏ than Vàng Danh (trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng lúc bấy giờ). Ngay từ năm 1965, Mỹ đã cho máy bay đánh phá mỏ, làm chết hàng chục công nhân tại khu thợ 314.

Chưa đầy 4 tháng, từ ngày 18-5 đến 15-9-1972, giặc Mỹ đã ném xuống mỏ 10.240 quả bom qua 20 trận đánh (5 trận ban ngày, 15 trận ban đêm), bình quân mỗi thợ mỏ phải gánh chịu 2,5 quả bom. Trận Mỹ dội bom lúc 15 giờ ngày 24-7-1972 xuống Trường công nhân kỹ thuật mỏ sơ tán tại khu đồi Máng Lao đã làm chết 8 thợ mỏ sắp ra nghề, nhiều người khác bị thương. Lúc 13 giờ ngày 13-9-1972, Mỹ huy động nhiều tốp máy bay cùng lúc trút 85 quả bom hơi, 22 trái bom phá, 6 trái bom xuyên và nhiều bom bi xuống trung tâm mỏ. Với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, phối hợp với bộ đội và dân quân địa phương, lực lượng tự vệ mỏ đã anh dũng chiến đấu bắn rơi tại tại chỗ 1 máy bay Mỹ. Đơn vị pháo phòng không của Tiểu đoàn tự vệ mỏ chốt trên đỉnh đồi đã bám trận địa nã đạn liên tục lên mục tiêu kẻ thù. Hai chiến sĩ tự vệ mỏ là Hoàng Văn Minh và Nguyễn Văn Lê đã anh dũng hy sinh trên mâm pháo.

Thời khắc của trận đánh ác liệt trên diễn ra giữa lúc tôi là một trong số 40 cán bộ Đoàn đều là Bí thư các chi đoàn thanh niên ở 40 phân xưởng, phòng ban trong toàn mỏ thực hiện cuộc họp đột xuất do Đoàn Thanh niên mỏ tổ chức tại bìa rừng bản Miếu Thán. Tuy nhiên, đã quá 15 phút sau khi tiếng bom Mỹ vừa dứt, Phó bí thư Đoàn mỏ Phạm Xuân Thắng điểm danh, đếm đi đếm lại vẫn chỉ có 38/40 cán bộ Đoàn chụm đầu dưới lán sơ tán chờ họp (thiếu tôi là Bí thư Chi đoàn Phòng  Hành chính và chị Nguyễn Thị Cúc - Bí thư Chi đoàn Nhà sàng). Trước 38 cán bộ đoàn, anh Thắng phỏng đoán: “Có thể hai đồng chí của chúng ta bị thương vong bởi hai đồng chí này là những cán bộ đoàn rất gương mẫu, chưa bao giờ vắng họp cả!”. Anh Thắng đoán không sát, bởi chúng tôi không chết, bom kẻ thù không giết nổi chúng tôi nhưng chúng đã cắt đứt nhiều đoạn dây truyền thanh và tôi đã chỉ đạo nhóm thanh niên xung kích Phòng Hành chính bám trận địa nối lại đường dây, khôi phục sự hoạt động của đài để lãnh đạo mỏ kịp thời chỉ huy giải quyết hậu quả sau trận bom nên chưa đến họp đúng giờ. Còn chị Cúc, sau trận bom dữ dội ấy đã cùng thanh niên xung kích Nhà sàng thu dọn chiến trường rồi mới đạp xe về họp nhưng bom Mỹ đã làm hỏng đường, đi lại khó khăn, khiến chị trễ họp 20 phút.

Trong bom rơi đạn nổ tứ bề, kẻ mất người còn như thế mà một cuộc họp của tổ chức Đoàn mỏ ngày ấy vẫn duy trì 100% cán bộ chủ chốt các chi đoàn họp hành đầy đủ, triển khai kịp thời nhiệm vụ một cách nghiêm túc như vậy quả là một nền nếp kỷ luật nghiêm minh, đã để lại trong tôi một ký ức khó quên. Tôi tự hào nhận biết, đó là truyền thống của tuổi trẻ vùng mỏ, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” được hun đúc qua nhiều thế hệ thợ mỏ đã tạo động lực mạnh mẽ cho đội ngũ thợ mỏ Vàng Danh vượt qua nhiều khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đinh Quang Huy