Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (Chương trình 504), Thủ trưởng Bộ Quốc phòng là Trưởng cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo. Mục tiêu của Chương trình là huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội. Sau 5 năm thực hiện Chương trình, công tác tuyên truyền từng bước được triển khai rộng khắp, nâng cao nhận thức của cộng đồng, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và bạn bè quốc tế. Công tác giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn được triển khai tích cực, góp phần đáng kể trong việc nâng cao nhận thức cho người dân, giảm thiểu tai nạn bom mìn. Công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng cũng được nghiên cứu để thực hiện đồng bộ hơn.
Nhờ được đầu tư trang thiết bị, lực lượng nên việc rà phá bom mìn (RPBM) được tiến hành triệt để hơn, diện tích RPBM hằng năm tăng lên đáng kể từ 20.000ha/năm giai đoạn 1999 - 2010 lên 50.000ha/năm hiện nay. Việt Nam hiện có 3 lực lượng trực tiếp tham gia hoạt động RPBM, trong đó có một số đội RPBM do các tổ chức phi chính phủ tổ chức, huấn luyện thực hiện và các dự án tài trợ quốc tế trong lĩnh vực RPBM. Tuy nhiên, giữ trọng trách nòng cốt trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn chính là những người lính Công binh. Mỗi năm Bộ đội Công binh tổ chức rà phá, làm sạch khoảng 40-50.000ha đất, chủ yếu ở những vùng bị ô nhiễm nặng, khu vực dự án phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ dân sinh, mở rộng đất sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo. Chiến tranh đã đi qua, nhưng với họ, hòa bình vẫn chưa thực sự đến. Hằng ngày, vẫn có bao người lính công binh tình nguyện xa gia đình, vợ con để có mặt ở những nơi rừng thiêng, nước độc, nơi sự sống và cái chết mong manh, để những vùng đất họ đi qua trở nên xanh hơn, cuộc sống người dân thanh bình hơn.
Theo ước tính, để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam cần kinh phí trên 10 tỷ USD, chưa kể hàng tỷ USD khác cho việc tái định cư và đảm bảo an sinh xã hội ở vùng bị ô nhiễm bom mìn. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, Việt Nam rất cần sự chung tay của chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế để những chấm đen do bom mìn trên bản đồ sớm mất đi.
Trần Thịnh