Tác hại nặng nề
Các cơ quan chuyên môn đã nhiều lần cảnh báo đến những người hút thuốc và cả cộng đồng nói chung về tác hại của thuốc lá đem lại cho con người như chuyện 7.000 chất hóa học, 69 chất gây ung thư từ khói thuốc lá thải vào môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người kể cả người hút lẫn người xung quanh… Trên thế giới, mỗi năm có gần 6 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó gần 5 triệu ca ở các nước có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, là một trong những nguyên nhân gây ra các loại bệnh tật và đói nghèo. Đáng buồn là, Việt Nam lại là một trong số 15 nước trên thế giới có số người hút thuốc lá nhiều nhất hiện nay với con số khoảng 16 triệu người hút thuốc lá, tỷ lệ nam giới hút thuốc là 47% và nữ giới là 1,4% và trong số những người hút thuốc, các CCB chiếm một phần không nhỏ. Không kể con số khoảng 40.000 người tử vong mỗi năm do tác hại của thuốc lá thì bình quân mỗi năm chúng ta còn phải chi khoảng 22.000 tỷ đồng để mua thuốc lá và khoảng 23.000 tỷ đồng để chữa chạy một số bênh nan y do thuốc lá đem lại.
Nỗ lực lớn của cộng đồng
Thực hiện phòng chống tác hại thuốc lá, bảo vệ sức khỏe người dân, những năm qua, chúng ta đã làm được nhiều việc và đạt được nhiều kết quả đáng mừng, đặc biệt là công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đã được luật hóa, công tác tuyên truyền vận động được tiến hành sâu rộng tại tất cả các địa phương, đến các gia đình, cơ quan doanh nghiệp; ý thức của người dân về phòng chống tác hại thuốc lá được nâng cao. Nhiều biện pháp mạnh đã được thực hiện, như in cảnh báo bênh tật do khói thuốc đem lại trên vỏ bao thuốc lá và chuẩn bị thực hiện đóng gói thuốc lá bằng bao bì trơn nhằm giảm sự hấp dẫn của sản phẩm thuốc lá theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, năm 2016, bên cạnh chủ đề chung của Ngày thế giới không thuốc lá, Bộ Y tế cũng phát động chiến dịch truyền thông với chủ đề “Cuộc sống không khói thuốc lá”. Theo báo cáo của các địa phương, trong năm 2015, 100% tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch phòng chống tác hại thuốc lá, có 9 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch không khói thuốc được tổ chức thực hiện, hơn 1.000 trường học xây dựng môi trường không khói thuốc, 97 nhà hàng thực hiện cấm hút thuốc; hàng loạt cơ quan, công sở thực hiện không khói thuốc, trong đó có nhiều cơ quan của các cấp Hội CCB… Số liệu điều tra của Tổ chức Y tế thế giới và một số tổ chức quốc tế và trong nước về hút thuốc lá tại Việt Nam mới đây cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam đã giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014; 90% học sinh đang hút thuốc có ý định bỏ thuốc, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động trong học sinh giảm từ 66,5% năm 2007 xuống 47,7% năm 2014… Những số liệu này cho thấy, việc sử dụng thuốc lá đang được ngăn chặn và có xu hướng giảm trong học sinh. Với người trưởng thành, kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá do Tổng cục Thống kê phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ công bố năm 2016, so với năm 2010, ở Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà giảm từ 73,1% xuống còn 59,9%; tại nơi làm việc giảm từ 55,9% xuống 42,6%; trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%. Kết quả này cho thấy, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá và nhận thức về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng ngày càng được nâng cao, phần lớn người dân đã hiểu về tác hại của thuốc lá. Trong số những người bỏ thuốc lá, rất mừng là có nhiều tấm gương là CCB ở các địa phương.
Cuộc chiến phòng chống tác hại thuốc lá rất cần được cả cộng đồng nỗ lực thực hiện.
Thanh Huyền