Ban Khuyến học họ Đặng Việt Nam (Ban KHHĐVN) rất vinh hạnh được chúc mừng ngày sinh lần thứ 98 của Giáo sư –Anh hùng lao động Vũ Khiêu. Với Ban KHHĐVN, bác vừa là người tham gia sáng lập (2007), vừa là Trưởng Ban danh dự, đồng thời là người bồi dưỡng, dìu dắt và động viên các thành viên của Ban KHHĐVN một cách không mệt mỏi.
Trong 6 năm qua, dưới sự lãnh đạo của bác, Ban KHHĐVN đã tổ chức khen thưởng 6 lần với tổng số 2500 học sinh - sinh viên giỏi là con, em họ Đặng Việt Nam ở 63 tỉnh /thành phố và mấy chục trường đại học.
Năm 2012 Ban KHHĐVN đã tổ chức phát thưởng ở Văn miếu- Quốc tử giám Hà nội cho 150 học sinh - sinh viên giỏi đại diện cho 350 học sinh - sinh viên giỏi trong cả nước. Những học sinh nghèo vượt khó, học giỏi tiêu biểu được trao học bổng một triệu đồng một cháu. Mặc dù tuổi cao và bận nhiều công việc nhưng hàng năm bác vẫn đều đặn đến trao thưởng cho các cháu và phát biểu dặn dò những lời tâm huyết động viên các cháu.
Bác đã tặng cho Ban KHHĐVN câu đối:
“Khuyến học khuyến tài, nối tiếp khoa danh dòng họ Đặng
Vì dân vì nước, nêu cao sự nghiệp dưới Trời Nam ”
Ban Khuyến học họ Đặng Việt Nam rất tự hào về bác. Bác là Giáo sư Mỹ học, Giáo sư Triết học, nhà báo kỳ cựu, nhà văn uyên thâm, dịch giả nổi tiếng và bác còn là nhà thơ có cốt cách tâm hồn sống động đồng hành cùng dân tộc.
Bác đã tham gia và chứng kiến biết bao nhiêu biến cố thăng trầm của đất nước, gặp gỡ biết bao nhiêu cảnh ngộ và số phận con người, vì vậy trong lĩnh vực văn tế, văn bia, bài minh phú, câu đối bác là chuyên gia hàng đầu trong giới văn nghệ sỹ. Những áng văn thơ kiệt tác của bác thẩm thấu tự nhiên vào chiều sâu đời sống nội tâm thầm kín của không biết bao nhiêu con người nhiều thế hệ. Ở tuổi 97, 98 bác vẫn miệt mài làm việc mỗi ngày từ 12 đến 14 giờ.
98 tuổi đời, hơn 70 đầu sách xuất bản và toàn là những công trình đồ sộ hiếm thấy trong lịch sử văn học nghệ thuật nước nhà.
Mọi người vẫn gọi bác là Giáo sư Vũ Khiêu nhưng họ, tên thật của bác là Đặng Vũ Khiêu. Bác sinh ngày 19 tháng 9 năm 1916- Năm Bính Thìn. Quê bác ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Năm 1935, bác tốt nghiệp Trung học (Diplome) tại trường Bonnal - Hải Phòng. Bác đi làm việc, sau đó bác tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ năm 1947 đến năm 1954, bác làm giám đốc Sở Văn hoá-Thông tin Liên khu 10 rồi khu Tây Bắc và khu Việt Bắc. Với cương vị là uỷ viên Ban Tuyên huấn Mặt trận, bác có mặt trực tiếp tại tiền tuyến từ chiến dịch Biên giới năm 1950 đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.
Bác về tham gia giải phóng thủ đô, rồi đi học trường Đảng cao cấp ở Bắc Kinh Trung quốc (1954-1956). Về nước, bác giữ chức Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Bác giảng dạy triết học và lý luận khoa học xã hội cho các trường Đảng và các trường đại học. Năm 1959, bác tổ chức bộ phận mỹ học đầu tiên ở nước ta. Sau đó, bác được Nhà nước ta cử sang Hungary nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức, quản lý và điều hành một Viện hàn lâm khoa học. Về nước, bác dạy học ở học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Bác đựoc bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Bác là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học và là người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học ở Việt Nam.
Bác giữ nhiều trọng trách do Đảng và Nhà nước giao phó.
Bất kỳ ở đâu và làm việc gì, bác đều tận tụy và cố gắng. Bác luôn luôn lấy chũ Tâm, chữ Đức để hành xử. Bác coi nhẹ vật chất, danh vọng và địa vị.
Bác được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ đợt 1 năm 1996. Năm 2000 bác được phong danh hiệu Anh hùng lao động thời đổi mới. Năm 2006 bác được tặng Huân chương Độc lập hạng nhất và nhiều huân chương, huy chương khác.
Năm 2012 bác được trao Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.
Đối với Thủ đô Hà Nội bác là “Công dân Ưu tú số 1 của Thủ đô”.
Bác được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng câu đối:
**“Triết gia trong cách mạng **
Nghệ sĩ giữa Anh hùng ”
Bận rộn công việc tối ngày, nhưng bác vẫn giành từng giờ để làm việc với những chương trình phủ kín. Khi thì bác tiếp các chính trị gia lỗi lạc, các nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà nhiếp ảnh, bạn bè gần xa, độc giả trong và ngoài nước, khi thì bác làm việc với các nhà sư ở các chùa từ Nam ra Bắc.
Bác luôn cầu Trời, khấn Phật phù hộ độ trì cho “quốc thái dân an, ấm no hạnh phúc, bảo toàn lãnh thổ”
Bác là tấm gương sáng về sự học tập cần cù, lao động quên mình, nghiên cứu sâu rộng và cống hiến suốt đời cho xã hội. Nói đến bác là nói đến lòng tận tụy và sức sáng tạo, cao thượng mà giản dị, uyên bác mà đại chúng lạ thường.
Bác là nhà văn hóa lớn, “một nhà triết học cách mạng, một chiến sĩ văn hoá anh hùng”, là hiền tài sống động, uy lẫm và thanh cao của nước ta xuyên suốt hai thế kỷ XX và XXI. Kính phục bác về trí tuệ uyên thâm, tinh thần minh mẫn, sức khỏe dẻo dai, tác phong ung dung thư thái, đời sống thanh bạch giản dị, cương trực và trái tim nhân hậu bao dung.
Nhân ngày sinh lần thứ 98 của bác, với tấm lòng thành kính, quý trọng và cảm phục bác, thay mặt cho Ban KHHĐVN xin chúc mừng đại thọ bác.
Thật là: Văn hiến Thăng Long đầy sức sống
Tinh hoa Đặng Tộc ngát hương thơm
Kính chúc bác trường thọ vô cương, mái mãi tinh anh, mãi mãi rực rỡ. Cầu Trời, khấn Phật phù hộ độ trì cho bác luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, vạn sự như ý tốt lành và tuổi Trời cho của bác chắc chắn sẽ vượt xa bách tuế.
PGS- TS Đặng Đình Bạch
Trưởng Ban Khuyến học họ Đặng Việt Nam