Người Khmer các phum sóc đến chùa Bâng Cro Cháp Chắc, xã Châu Khánh (Long Phú,  Sóc Trăng) trong dịp đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.

Dân tộc Khmer ở nước ta gắn bó với Phật giáo Nam tông (hệ phái Mahanikaya) nên các phum, sóc của người Khmer đều có chùa để đồng bào đến thờ phụng. Điển hình như hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có tới hơn 500 chùa của đồng bào Khmer.

Theo Hòa thượng Tăng Nô - Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, thì: “Chùa và chư tăng là cột trụ về tinh thần của đồng bào Khmer. Có thể nói mọi nghi thức trong lễ hội, hay đón mừng năm mới của đồng bào Khmer đều được tổ chức ở chùa và mang đậm màu sắc lễ hội Phật giáo.

Ảnh hưởng của Phật giáo đối với đồng bào Khmer tới mức, nam giới lớn lên là xuống tóc đi tu, học giáo lý nhà Phật đồng thời với học văn hóa, trước khi bước vào cuộc sống tự lập của người trưởng thành.

Người Khmer quan niệm, đóng góp dựng chùa và duy trì các hoạt động của chùa là khoán ước bảo đảm hạnh phúc cho cuộc sống hiện tại và vĩnh hằng sau này của mỗi kiếp người. Người Khmer không tiếc công sức, vật liệu quý cùng sự khéo léo của đôi tay để xây dựng chùa, vì thế chùa trở thành trung tâm của phum, sóc, gắn bó thiêng liêng cả đời với đồng bào. Chùa là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa, là nơi rèn luyện đạo đức, phẩm hạnh.

Với cộng đồng người Khmer, chùa không chỉ là nơi thực hiện tín ngưỡng tâm linh mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ông Thạch Quyết - A cha chùa Xiêm Cán, T.P. Bạc Liêu, nói: Từ đời ông cha tới nay, hầu như tất cả các dịp lễ, Tết truyền thống trong năm, chúng tôi đều đến sinh hoạt tại chùa.

Còn Nhà giáo Nhân dân Lâm Es - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng, thì nói: “Tôi được như hôm nay  một phần chủ yếu là được nuôi dưỡng đạo đức từ chùa. Lúc nhỏ được mẹ gửi lên chùa Cần Ðước (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), để tuổi đi học, ăn cơm chùa, áo quần bà con phum, sóc cho. Suốt 9 năm tu ở chùa để trả hiếu, cầu kinh niệm Phật, mua sách vở tiếng Việt, tiếng Pháp về tự học và tìm kiếm sách tiếng Khmer trong các chùa về để tìm hiểu nghiên cứu, dạy chữ Paly cho trẻ nhỏ tại các phum, sóc lân cận. Ðó là những kỷ niệm đẹp nhất trong đời tôi”.

Đúng như Nhà giáo Nhân dân Lâm É nói: Với đồng bào Khmer thì người trẻ đến chùa nghe kinh Phật để làm điều phải, còn người già đến chùa để sống tốt hơn. Những ngôi tượng được dựng lên rất nhiều trong chùa để “kể” cho người đời về sự tích của đức Phật. Cứ thế. Cứ thế đạo đức nhà Phật ngấm vào Phật tử, nâng đỡ họ sống có ích. Cungxchinhs trở thành người có ích cho cộng đồng. Nếu đời sống người Khmer không có chùa thì cũng giống như xây nhà không có nóc”

Trong tâm thức mỗi người Khmer, ngôi chùa hiện hữu trong suốt cuộc đời của họ. Từ khi còn bé, người Khmer đã đi chùa. Lớn lên, dù bận lo cho cuộc mưu sinh, họ vẫn thường đến chùa. Về già, họ càng gắn bó với ngôi chùa hơn. Đến khi qua đời, người Khmer cũng muốn được an táng trong khu vực đất chùa để linh hồn thanh thản. Ngoài ra, nhiều sư cũng tranh thủ dạy chữ Khmer trong chùa. Dù điều kiện có khác nhau nhưng các chùa vẫn làm tốt việc lưu giữ văn hóa cho cộng đồng Khmer.

                                                                Phương Nghi