Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (trái) hội kiến với Thủ tướng Maroc Saadeddine Othmani.

Chiều 28- 3 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Rabat, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Maroc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Thủ tướng Maroc Saadeddine Othmani; và tiếp Hội Hữu nghị Maroc- Việt Nam.

Quan hệ chính trị tốt đẹp

Thủ tướng Saadeddine Othmani vui mừng chào đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sang thăm chính thức Vương quốc Maroc; đồng thời nhấn mạnh, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội diễn ra trong bối cảnh quan hệ chính trị hai nước phát triển rất tốt đẹp. Trên nền tảng của quan hệ chính trị tốt đẹp, hai bên cần tăng cường quan hệ kinh tế, văn hóa.

Thủ tướng Maroc nhấn mạnh, quan hệ giữa hai dân tộc Maroc và Việt Nam có từ lâu đời, lịch sử đã cho thấy nhiều người lính Maroc trước đây đã gia nhập Việt Minh, cùng Việt Nam tham gia kháng chiến chống thực dân. Maroc không bao giờ quên và ngưỡng mộ chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Bày tỏ vui mừng gặp Ngài Thủ tướng Maroc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Thủ tướng dành thời gian cho cuộc tiếp; đồng thời trân trọng cảm ơn về những đánh giá, những tình cảm tốt đẹp mà Thủ tướng dành cho Việt Nam. Chia sẻ về mục đích chuyến thăm Maroc lần này nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng những thành tựu Maroc đã đạt được trong phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước châu Phi, trong đó Maroc là một đối tác ưu tiên tại khu vực Bắc Phi. Hai nước từng gắn bó với nhau trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Tại Ba Vì, Hà Nội hiện còn Cổng Maroc mang đậm nét kiến trúc Maroc, đó là những câu chuyện về tình người, tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hai nước có trách nhiệm truyền lại cho thế hệ trẻ về tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Maroc đã thành lập Hội hữu nghị Maroc - Việt Nam. Sau khi về nước sẽ thúc đẩy việc thành lập Hội hữu nghị Việt Nam - Maroc để tăng cường kênh giao lưu nhân dân hai nước.

Chủ tịch Quốc hội thông báo năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, kinh tế vĩ mô ổn định. Cùng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thực hiện an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã ký kết, thực thi 12 Hiệp định thương mại song phương (FTA) và đang đàm phán bốn FTA đa phương và song phương. Tháng 11- 2018, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng tốt, nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới đã có mặt hoạt động kinh doanh tại Việt Nam...

Tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp hai bên

Thủ tướng Saadeddine Othmani khẳng định, Chính phủ Maroc chúc mừng Việt Nam về những thành tựu chính trị, kinh tế, xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua. Mức tăng trưởng GDP trên 7% mà Việt Nam đạt được trong năm 2018 - gấp đôi mức tăng trưởng của Maroc. Cùng với thời gian, độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng cao. Maroc cũng giống Việt Nam, trong chiến lược mở cửa mạnh nền kinh tế, có những hiệp định thương mại tự do với những nền kinh tế lớn trên thế giới như: Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu (EU), nhiều nước Ả-rập, trong đó có những hiệp định thương mại ưu tiên với một số nước.

Thủ tướng cũng chia sẻ, ở châu Phi, Maroc có vai trò ngày càng quan trọng, có chiến lược đầu tư nhiều vào các quốc gia châu Phi. Chính vì vậy, Maroc sẵn sàng là cánh cửa tốt để hàng hóa của Việt Nam và các nước vào các nước châu Phi. Từ đó, Thủ tướng cho rằng hai nước cần nỗ lực hơn nữa để tăng hợp tác kinh tế; cần rà soát để tiếp tục ký những hiệp định còn thiếu. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần kết nối mạnh mẽ hơn nữa để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Thủ tướng cho rằng, hai nước có sự ổn định chính trị, an ninh, an toàn cho nhà đầu tư. Maroc là nước có số lượng nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở châu Phi. Về du lịch, Maroc là nước có nhiều khách du lịch nước ngoài nhiều nhất khu vực Bắc Phi, dự kiến 2019 sẽ đạt khoảng 12 triệu khách du lịch...

Đánh giá Maroc là đất nước tươi đẹp, thanh bình, ổn định, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng hai bên đang xúc tiến mở đường hàng không, đẩy mạnh hợp tác ngân hàng để thuận tiện cho doanh nghiệp hai bên mở rộng đầu tư, kinh doanh trong tương lai. Thủ tướng Maroc bày tỏ vui mừng và hy vọng Đại sứ tại mỗi nước sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình này.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ cảm ơn sự phối hợp, ủng hộ của Maroc dành cho Việt Nam tại cơ chế hợp tác đa phương; thời gian tới hai bên cần tích cực đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Thủ tướng Saadeddine Othmani cảm ơn Việt Nam về sự ủng hộ đối với Maroc trên các diễn đàn quốc tế cũng như cấp độ khu vực như hợp tác với ASEAN; khẳng định Chính phủ Maroc có quyết tâm rất lớn trong việc làm sâu sắc thêm và đa dạng mối quan hệ giữa Maroc và Việt Nam.

Tại hội kiến, qua Thủ tướng Saadeddine Othmani, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng chuyển lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới Quốc vương Maroc Mohammed VI thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam; chuyển lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Thủ tướng Saadeddine Othmani sớm thăm chính thức Việt Nam.

Gìn giữ di sản lịch sử chung

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Maroc, chiều qua (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Chủ tịch Hội hữu nghị Maroc - Việt Nam Elktiki Mustapha.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng được gặp Ngài Chủ tịch Hội Hữu nghị Maroc - Việt Nam nhân chuyến thăm chính thức Vương quốc Maroc; đồng thời thông báo mục đích chuyến thăm của Đoàn nhằm thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Maroc nói chung và giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Maroc nói riêng.

Chủ tịch Hội hữu nghị Maroc Elktiki Mustapha cho rằng, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội rất có ý nghĩa đúng vào dịp hai nước kỉ niệm 58 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao. Ông cho biết, Hội Hữu nghị Maroc - Việt Nam, được thành lập ngay sau khi chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Maroc vào cuối năm 2017. Thời gian qua, Hội thiết lập mối quan hệ với Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Hai bên có nhiều hợp tác, thiết lập thông tin qua lại.

Nhân dịp này, Chủ tịch Hội hữu nghị Maroc bày tỏ cảm ơn Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã hỗ trợ để yêu cầu đưa cổng Maroc - một phần di sản lịch sử chung giữa Việt Nam và Moroc, mang thông điệp chống chiến tranh và ủng hộ hòa bình giữa các dân tộc trên toàn thế giới của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ba Vì, Hà Nội vào di sản được UNESCO công nhận.

Chủ tịch Hội Hữu nghị Maroc - Việt Nam mong muốn Việt Nam cũng thành lập một hội tương tự Hội Hữu nghị Maroc - Việt Nam, gắn kết chặt chẽ hơn giữa hai nước, hai nghị viện. Ông Elktiki Mustapha cho biết, hiện Hội đang biên soạn cuốn sách viết về những điểm chung của Maroc và Việt Nam nhằm giới thiệu cho thế hệ mai sau của Maroc hiểu hơn về lịch sử của hai nước. Đồng thời, hoan nghênh Hội Cựu chiến binh Việt Nam dự kiến viết về giai đoạn này. “Chúng tôi Hội Hữu nghị Maroc - Việt Nam sẽ làm hết sức mình phát huy ký ức chung của hai dân tộc, để làm đòn bẩy cho mối quan hệ của hai nước...”, ông nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đánh gia cao những hoạt động thiết thực của Hội Hữu nghị Maroc - Việt Nam và Hội cựu chiến binh Việt Nam; ghi nhận đề nghị của Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Maroc và ông Elktiki Mustapha, ngay sau khi trở về nước sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan của Việt Nam thúc đẩy việc thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Maroc.

Cho rằng, các hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước là kênh ngoại giao quan trọng, góp phần thúc đẩy hợp tác hữu nghị giữa Nhà nước và nhân dân hai nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Mong muốn của Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Nhà nước và nhân dân Maroc, vì lợi ích thiết thực và sự phồn vinh của hai nước, hai dân tộc, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Người dân Maroc luôn có sự ngưỡng mộ, đánh giá   cao nhân dân Việt Nam không chỉ lịch sử hào hùng mà còn là những thành tựu   đạt được hiện nay, cũng như cách mà người Việt Nam nỗ lực để đạt được thành   tựu đó...  

(Thủ tướng Maroc   Saadeddine Othmani)  

Quan hệ chính trị hai nước phát triển tốt đẹp,   tuy nhiên kinh tế - thương mại song phương hiện chưa tương xứng với tiềm năng   và mong muốn của hai nước- thương mại hai chiều đạt 212,7 triệu USD năm 2018.   Việt Nam là thị trường với khoảng 90 triệu dân, sẵn sàng là cửa ngõ để Maroc   bước vào thị trường ASEAN.  

(Chủ tịch Quốc hội   Nguyễn Thị Kim Ngân)  

TTXVN