(Báo tháng) - Thấy mấy bác CCB ở phường tôi chuyền tay nhau đọc và bình phẩm về bài viết “Nên theo một khóa tu” của tác gia Tôn Mạc Ninh, đăng trong Chuyên mục “Viết cho tuổi sau mươi” trên báo tháng Báo Cựu chiến binh Việt Nam - tháng 3-2019, tôi bèn mượn về đọc và tôi đã đọc đến mức thuộc bài báo này.

Hay quá, đúng là bài báo đã nhẹ nhàng phân tích, thủ thỉ dẫn dụ tuổi sáu mươi chúng tôi hiểu cho có lớp lang về đạo Phật nói riêng và đạo Giáo nói chung. Đúng như tác giả nói đại ý: tránh sao "đi mà không hiểu, đến mà không biết"...

Để góp thêm vào chủ đề của bài viết, tôi xin tham gia phân tích nghĩa của chữ "si" trong "tham, sân, si", mà nguyên cớ là từ lời tự bạch của anh bạn tôi, nguyên là sĩ quan quân đội, công tác tại Viện Khoa học Kĩ thuật Quân sự, sau chuyển ngành ra cơ quan dân sự.

Anh về hưu khi đang là Phó viện trưởng một viện nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ. Anh nói với tôi, anh đang sống theo giáo lí nhà Phật, nhưng anh chỉ bỏ được “tham” và “sân” thôi, chứ “si” thì không bỏ được, vì anh còn “say mê” nhiều thứ lắm. Nghĩa là bạn tôi nghĩ “si” là “si mê”!

Tôi bảo anh: “Ông hiểu sai chữ “si” của nhà Phật rồi”. Tôi giải thích cho anh hiểu: Theo Phật giáo: Tam độc là ba trạng thái tinh thần có hại: “Tham” chỉ sự tham lam uy quyền, tiền bạc; “sân” chỉ sự sân hận, đố kỵ, ghen tức; còn "si" là chỉ sự ngu si hay vô minh, tăm tối.

Anh bạn tôi nghe có vẻ chưa thông, tôi phải dẫn cho bạn tôi hiểu, “Tham, sân, si” được trích trong "Tương ưng Bộ kinh" (Samyutta-nikaya), tập I, trang 70 (Pali Text Society) viết bằng tiếng Phạn (ngôn ngữ tế tự trong các nghi lễ của Ấn Độ) là “moha”. Chữ “moha” có nghĩa là ngu si, vô minh, tăm tối.

Cũng theo Phật giáo, nếu ví “tham, sân, si” như một cái cây thì sự ngu si chính là gốc rễ, sân hận là cành và tham là lá. Đốn được gốc, rễ, thì cành và lá cũng tự chết. Hay nói cách khác, con người ta phải luôn học hỏi, nâng cao hiểu biết, nghĩa là “khai tâm” để làm chủ cuộc đời mình.

Có sự hiểu biết hay gọi là óc sáng suốt, thì những sự việc tăm tối kiểu như bài thuyết giảng của Phật tử chùa Ba Vàng, Quảng Ninh sẽ không có đất sống.

Vậy những ai đến chùa, hoặc có ý thức sống theo lời Phật dạy phải luôn tìm hiểu kỹ giáo lí nhà Phật để không bị mê hoặc bởi những kẻ mang danh nhà chùa mà thuyết giảng bậy bạ làm tổn hại đến cuộc sống an lành của cá nhân mình cũng như cộng đồng.

Dịch giả Pháp ngữ Văn Minh Thiều