Cây bút biếm họa mà nhắc đến bút danh, kể cả chữ ký với hình ba chữ “CTĐ” lồng vào nhau đã in sâu trong trí nhớ của rất nhiều người. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, là tác giả chuyên về tranh biếm, thuộc thể loại đồ họa trong nghệ thuật tạo hình. Vừa qua, ông tham gia thành viên Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi tỉnh Hải Dương.
Trong chặng đường dài sáng tác, tranh biếm của Chu Đức Tiến vẽ ra trước hết là để đăng báo và nhằm vẽ cho một tờ báo, tạp chí nào đó với sự tương đồng giữa tác giả và bản báo. Ông cộng tác thường xuyên, gắn bó như một trong những người làm nên chuyên mục biếm họa của hàng chục cơ quan báo, tạp chí T.Ư và địa phương với những tên gọi khác nhau như: Tranh Vui, Vui Cười, Tranh đả kích, Thư giãn, Câu lạc bộ vui cười, Góc biếm họa… như Thiếu niên tiền phong, Tiền phong, Đại đoàn kết, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Văn nghệ, Hải Dương Văn nghệ Hải Dương, Cựu chiến binh Việt Nam…
Đã mấy chục năm rồi, hằng ngày ông vẫn giữ thói quen đều đặn nghe đài, xem tivi, tới các sạp báo bày bán ở T.P Hải Dương, Thư viện tỉnh để nắm tình hình thời sự, để sáng tác tranh biếm kịp thời.
Những năm 60-70 của thế kỷ trước, ông có mặt đều đặn trên các báo với nhiều đề tài và đối tượng quen thuộc lứa tuổi học trò, thanh niên, phụ nữ và xã hội nói chung; hàng loạt tranh đả kích giặc Mỹ và tay sai với những thất bại của chúng trên khắp hai miền Nam - Bắc. Đất nước hòa bình, thống nhất, từ sau năm 1975, trải qua các thời kỳ xây dựng, đổi mới và phát triển, tranh Chu Đức tiến cũng luôn bám sát tính thời sự và phản ánh đặc tính chung ở mỗi giai đoạn… Trong cuộc chiến chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, Chu Đức Tiến cũng luôn bắt kịp thời với rất nhiều bức tranh phê phán, vạch rõ bản chất các biển hiện đó ở nhiều nội dung, góc độ khác nhau. Tranh của Chu Đức Tiến vừa vui, dí dỏm, nhẹ nhàng nhưng cũng rất sâu cay, hóm hỉnh và phơi bày được bản chất của sự việc, hiện tượng.
Tham nhũng là biểu hiện vi phạm pháp luật, là cái nạn nhức nhối mà kẻ tham nhũng muốn che giấu tinh vi, xảo quyệt. Vạch rõ tham nhũng và chống tham nhũng là một cuộc chiến cam go. Tham nhũng là những con chuột ăn tàn phá hại. Nhưng tham nhũng thường là những kẻ “ăn vụng biết chùi mép”… Chu Đức Tiến vẽ chuột tham nhũng đứng trước một dãy khăn “chùi mồm”. Tham nhũng thường được một thế lực nào đó che chắn. Những cái khăn này mang biểu tượng ô che, là vấn đề lớn như công cuộc chống tham nhũng ngày nay đang làm rõ. Rất nhiều vụ tham nhũng do báo chí phát hiện, phanh phui, pháp luật xử lý. Chu Đức Tiến diễu tham nhũng nằm trên chiếc võng với câu hát ngân nga “Ở hai đầu nỗi nhớ”, mà hai đầu chiếu võng đó một bên ngoắc vào báo chí, một bên là chiếc vành móng ngựa (pháp luật). Tham nhũng có lúc được ví như căn bệnh ung thư khó chữa. Chu Đức Tiến vẽ cái bụng kẻ tham nhũng được con dao pháp luật mổ xẻ và với lời trong bức tranh là “Ung thư – xin đừng tuyệt vọng”. Tinh thần của bức tranh như một lời khẳng định, tham nhũng nhất định sẽ bị pháp luật xử lý.
Ở những mặt khác, người ta thường nói “Ăn no ấm cật, dậm giật mọi nơi”. Những quan chức tham nhũng có quyền, có tiền thường có “bồ nhí”, hot girl, cũng là một biểu hiện không xa lạ trong xã hội. “Bồ nhí” có biệt thự, có xe hơi, có tài sản “khủng”, được đưa vào quy hoạch “không trong sáng”… do chính những quan chức tham nhũng vơ vét tài sản công để cung phụng, o bế. Tình trạng này được diễn tả bằng hình quan tham nhũng cầm cần câu công quỹ, còn “bồ nhí” thì cầm cần câu chính ở các túi quan tham nhũng này. Đây cũng là những vẫn đề rất thời sự, là vẫn đề đã và vẫn đang “nóng” mà rất nhiều người phải quan tâm...
Không thể kể hết những biểu hiện nhiều vẻ trong biến họa Chu Đức Tiến, nhưng những bức tranh của họa sĩ luôn luôn có mặt kịp thời, là một thành tựu đáng ghi nhận trên chặng đường đồng hành cùng báo chí nói chung và Báo CCB Việt Nam nói riêng.
Huy Chương