Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ quan điểm: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”. Vấn đề thu hút nhân tài được Đảng, Nhà nước rất quan tâm ban hành nhiều nghị quyết, tuy nhiên thực tế việc đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài chưa được như mong muốn, mà rào cản lớn nhất là do chưa có một chiến lược dài hơi với cơ chế, chính sách cụ thể, đồng bộ, thống nhất.
Để tạo ra “cú huých” về cơ chế, chính sách cần đổi mới tư duy về nuôi dưỡng, trọng dụng nhân tài trên cơ sở những vấn đề đặt ra hiện nay và kế thừa kinh nghiệm quốc tế.
Theo số liệu công bố trên báo chí, tại T.P Hồ Chí Minh - thành phố năng động có môi trường kinh doanh được cho là tốt nhất Việt Nam, nhưng chương trình thu hút nhân tài trong 4 năm từ 2018 đến 2022 mới thu hút được 5 người, trong đó có 1 người Việt Nam, 1 người Mỹ, 3 người Nhật.
Thời gian qua nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ sở đào tạo cũng xây dựng đề án gửi cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng có cán bộ tìm cách ở lại sau khi đào tạo xong; có cán bộ về nước làm việc cho xong nghĩa vụ, sau đó ra nước ngoài làm việc; còn có những cán bộ xin nghỉ không lương, xin đền bù kinh phí đào tạo hoặc viện những lý do khác để trì hoãn việc về nước.
Hiện trạng cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực chuyển sang khu vực ngoài Nhà nước do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chế độ đãi ngộ, điều kiện, môi trường làm việc chưa đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của đội ngũ. Việc đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công.
Mỗi năm trường đào tạo quản lý uy tín hàng đầu thế giới INSEAD có báo cáo đánh giá mức độ cạnh tranh về nhân tài trên toàn cầu của 134 quốc gia theo 4 tiêu chí chủ yếu gồm: Hỗ trợ (phát hiện) nhân tài; thu hút nhân tài; bồi dưỡng nhân tài và giữ được nhân tài. Trong đó, Singapore thường đứng ở nhóm thứ hạng cao nhất và đứng đầu châu Á; Việt Nam đứng thứ 82, xếp sau các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia.
Thực tiễn đã chứng minh, cốt lõi cho sự thành công "hóa rồng" của Singapore xoay quanh chính sách trọng dụng nhân tài, trở thành chiến lược ưu tiên hàng đầu của đất nước này với các chính sách bài bản: Mức lương tương xứng với giá trị của chất xám; tạo niềm tin người tài luôn đứng ở vị trí cao; đầu tư, trợ cấp giáo dục… Thực chất, trả lương cao là biện pháp không chỉ có một mình Singapore áp dụng. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở chỗ, Singapore có hẳn một chính sách rõ ràng để thực hiện điều này. Các Bộ trưởng Singapore có mức lương cao hơn tất cả các Bộ trưởng ở những quốc gia giàu có nhất, tạo sự yên tâm cho người giữ cương vị lãnh đạo, dành hết tâm sức cho công việc quản lý hoạch định chính sách. Mặt khác chính sách này hạn chế nạn tham nhũng, giúp minh bạch hóa chính phủ.
Với chính sách đãi ngộ nhân tài trong nước như hiện nay, nhiều trí thức học tập ở nước ngoài còn băn khoăn, chưa yên tâm về làm việc lâu dài ở Việt Nam. Nguyên nhân là do các chính sách đãi ngộ chưa bảo đảm, nhiều nơi chưa chú trọng cách sử dụng nhân tài cho hiệu quả, môi trường làm việc chưa phù hợp; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học và môi trường học thuật chuyên nghiệp trong nước còn hạn chế; nhận thức không tương đồng về các vấn đề, đặc biệt các vấn đề chuyên môn sâu giữa trí thức Việt Nam ở nước ngoài và các đồng nghiệp trong nước...
Không thể "ngồi đợi để thu hút nhân tài" mà cần có chiến lược hỗ trợ để phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và giữ được nhân tài. Muốn làm được điều đó, giải pháp căn cơ đầu tư cho giáo dục - đào tạo và xây dựng chính sách đãi ngộ xứng đáng như: Mức lương, nhà ở, môi trường làm việc…
Thực trạng trên đặt ra yêu cầu cấp bách hiện nay là cần sớm xây dựng cơ chế đột phá để phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài. Cơ chế này bảo đảm chủ trương, đường lối của Đảng được thể chế hóa thành các quy định pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu về tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đồng thời có trọng tâm và chiến lược dài hạn về đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài.
Hồ Thanh Hương