Thời hạn giải mật tài liệu
Luật Lưu trữ gồm 7 Chương, 42 Điều quy định về hoạt động lưu trữ, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ; đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ; hoạt động dịch vụ lưu trữ và quản lý về lưu trữ.
Lần đầu tiên, Luật quy định thời hạn được phép sử dụng rộng rãi đối với các tài liệu có đóng dấu chỉ các mức độ mật, cụ thể: "Sau 40 năm kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có dấu mật nhưng chưa được giải mật", "Sau 60 năm kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có đóng dấu tối mật, tuyệt mật nhưng chưa được giải mật".
Với mục đích phát huy tối đa tài liệu lưu trữ, thông tin tài liệu lưu trữ và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, tài liệu Phông lưu trữ quốc gia của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, Luật Lưu trữ quy định: Tài liệu lưu trữ tại các lưu trữ lịch sử được sử dụng rộng rãi; trừ tài liệu thuộc danh mục hạn chế sử dụng và danh mục tài liệu có đóng dấu chỉ các mức độ mật.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần giải quyết khiếu nại của nhiều người về cùng một nội dung, Luật Khiếu nại đã bổ sung quy định mới về trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung. Theo đó, nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung mà khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi nhận nội dung khiếu nại.
Đối với Luật Khiếu nại, đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại thì không được thụ lý giải quyết để nâng cao ý thức trách nhiệm của người khiếu nại.
Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền (không thuộc các khiếu nại không được giải quyết) thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày (vùng sâu, vùng xa là không quá 45 ngày) kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 45 ngày (vùng sâu vùng xa là không quá 60 ngày)…
Quy định rõ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo
Luật Tố cáo gồm 8 Chương, 50 Điều, trong đó, bổ sung một chương mới về bảo vệ người tố cáo. Luật xác định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp cận thông tin về người tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo đều có trách nhiệm bảo đảm giữ bí mật các thông tin này không kể người tố cáo có yêu cầu hay không.
Số tiền thu lời bất chính từ đo lường phải bị tịch thu
Gồm 9 Chương, 58 Điều, điểm mới của Luật Đo lường so với Pháp lệnh Đo lường năm 1999 là có một mục riêng quy định cụ thể về kiểm tra nhà nước về đo lường (quy định tại chương VII).
Theo đó, Luật quy định trường hợp vi phạm hành chính về đo lường có số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm lớn hơn mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì áp dụng hình thức phạt tiền với mức bằng từ 1 đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính đó. Số tiền thu lợi bất chính phải bị tịch thu.
Đảm bảo quy trình hợp nhất văn bản đơn giản, thuận tiện
Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật gồm 4 chương và 20 điều. Pháp lệnh được xây dựng theo hướng đảm bảo quy trình hợp nhất văn bản đơn giản, thuận tiện, kỹ thuật hợp nhất văn bản được quy định cụ thể, nhằm bảo đảm tính thống nhất và tính chính xác cao khi các cơ quan thực hiện việc hợp nhất.
Pháp lệnh quy định cụ thể về nguyên tắc hợp nhất văn bản; thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản liên tịch giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị-xã hội; thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của các cơ quan khác của Nhà nước; đăng văn bản hợp nhất trên Công báo và trang thông tin điện tử; xử lý sai sót trong văn bản hợp nhất; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc hợp nhất văn bản; thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hợp nhất;…
Theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, hàng năm, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.
Ngoài được hỗ trợ sản xuất lúa hàng năm, người sản xuất lúa còn được hỗ trợ sản xuất lúa bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Cụ thể, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất lúa bị thiệt hại trên 70%; mức hỗ trợ là 50% khi sản xuất lúa bị thiệt hại từ 30 - 70%...
Nghị định cũng quy định hỗ trợ ngân sách cho địa phương sản xuất lúa. Đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách địa phương từ 2012 - 2015, ngoài hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành còn được ngân sách trung ương hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để sản xuất lúa.
Cụ thể, hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm đối với đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.
Ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công
Theo Nghị định 45/2012/NĐ-CP, có 3 đối tượng áp dụng chính sách khuyến công gồm: 1- Tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại huyện, thị xã, thị trấn, xã và các phường thuộc thành phố loại 2, loại 3, các phường thuộc thành phố loại 1 được chuyển đổi từ xã chưa quá 5 năm; bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; 2- Các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; 3- Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia công tác quản lý, thực hiện các hoạt động dịch vụ khuyến công.
Tổ chức, các nhân thuộc đối tượng 1,2 kể trên đầu tư sản xuất vào các ngành, nghề sau đây được hưởng chính sách khuyến công:
- Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và chế biến thực phẩm.
- Sản xuất hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, hàng thay thế hàng nhập khẩu.
- Công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Sản xuất vật liệu xây dựng.
- Sản xuất sản phẩm, phụ tùng; lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí, điện, điện tử - tin học. Sản xuất, gia công chi tiết, bán thành phẩm và công nghiệp hỗ trợ.
- Sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp.
- Khai thác, chế biến khoáng sản tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
- Áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp; xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.
Chuyển Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương Theo Quy chế Quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ ngày 1/7/2012, Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương sẽ được chuyển thành Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để quản lý tập trung, thống nhất, có hiệu quả các nguồn thu từ phần vốn nhà nước góp tại các doanh nghiệp, bao gồm cả các nguồn thu từ quá trình sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tổ chức giữ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để thực hiện thu, chi theo quy định của pháp luật và quyết định của cấp có thẩm quyền; định kỳ báo cáo tình hình quản lý, sử dụng Quỹ này để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều chỉnh 5% giá bán điện từ 1/7
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BCT Quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện. Theo đó, kể từ ngày 1/7/2012, giá bán điện bình quân là 1.369 đồng /kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 65 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.304 đồng/kWh).
Lần điều chỉnh giá điện này không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá đối với các đối tượng theo cơ cấu được quy định tại Quyết định 268/QĐ-TTg ngày 23/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Riêng mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp không điều chỉnh, giữ nguyên ở mức 993 đồng/kWh.
Tháng 7/2012, cấp, đổi giấy phép lái xe theo mẫu mớiGiấy phép lái xe theo mẫu mới sẽ được đưa vào sử dụng từ tháng 7 để cấp mới, cấp đổi cho người có giấy phép lái xe hết thời hạn sử dụng; cấp lại cho người có giấy phép lái xe bị mất, hỏng.
Đối với những giấy phép lái xe đang còn hiệu lực, vẫn được sử dụng bình thường theo thời hạn ghi trên giấy phép lái xe.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cho biết, bắt đầu từ ngày hôm nay (2/7/2012), tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 12 Sở Giao thông vận tải sẽ thực hiện tiếp nhận hồ sơ để cấp, đổi giấy phép lái xe theo mẫu mới.
Thời hạn chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là 6 tháng
Ảnh minh họa
Ngân hàng Nhà nước quy định, thời hạn chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là 6 tháng kể từ ngày Thông tư 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 có hiệu lực thi hành (10/7/2012).
Trong thời hạn chuyển tiếp này, hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng được tiếp tục thực hiện bình thường như thời gian vừa qua, các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng hoàn tất thủ tục đề nghị cấp giấy phép mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo đúng quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP và Thông tư 16/2012/TT-NHNN.
Sau thời hạn chuyển tiếp, các tổ chức, cá nhân chỉ được phép mua, bán vàng miếng với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Hoạt động sản xuất vàng miếng của các đơn vị đã được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng chấm dứt theo đúng quy định tại Điều 21 của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.
Tăng mức thưởng hội giảng giáo viên dạy nghềTheo Thông tư liên tịch 79/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH, tăng mức chi tối đa/giải thưởng tính theo bài giảng hoặc thiết bị đạt giải. Đối với cá nhân, Giải nhất 2.000.000 đồng, Giải nhì 1.500.000 đồng; Giải ba 1.000.000 đồng; và Giải khuyến khích 300.000 đồng thay cho mức thưởng hiện hành tại Thông tư 109/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH lần lượt là 600.000 đồng; 400.000 đồng; 200.000 đồng và 100.000 đồng.
Đối với tập thể, Giải nhất 4.000.000 đồng; Giải nhì 3.000.000 đồng; Giải ba 2.000.000 đồng thay cho các mức thưởng hiện hành lần lượt là 1.000.000 đồng; 600.000 đồng và 200.000 đồng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/7/2012.
Tăng lệ phí cấp biển số xe máy chuyên dùngCó hiệu lực thi hành từ 1/7/2012 theo Thông tư 73/2012/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 76/2004/TT-BTC hướng dẫn về phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lệ phí cấp mới kèm theo biển số phương tiện thi công (xe máy chuyên dùng) là 200.000 đồng/lần/phương tiện.
Như vậy, so với quy định hiện hành tại Thông tư 76, mức phí này tăng lên 50.000 đồng, từ 150.000 đồng lên 200.000 đồng.
Việc cấp lại hoặc đổi giấy đăng ký kèm theo biển số, mức lệ phí cũng tăng từ 150.000 lên 200.000 đồng/lần/phương tiện.
Cấp lại hoặc đổi giấy đăng ký không kèm theo biển số tăng từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng/lần/phương tiện.
Đối với việc cấp giấy đăng ký kèm theo biển số tạm thời, mức phí mới sẽ là 70.000 đồng thay cho mức 50.000 đồng/lần/phương tiện như hiện nay.
Thông tư mới cũng bổ sung quy định về lệ phí cấp giấy phép lái xe cơ giới công nghệ mới (bao gồm cả cấp mới và cấp lại) là 135.000 đồng/lần.
Danh mục xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ phải đăng ký gồm: 1. Xe máy thi công (gồm máy làm đất, máy thi công mặt đường, máy thi công nền móng công trình, các loại máy nghiền, sàng đá...); 2. Xe máy xếp dỡ (gồm Máy xúc, các loại xe máy nâng hàng, cần trục...); 3. Máy kéo chuyên dùng nông nghiệp, lâm nghiệp (gồm máy kéo chuyên dùng bánh lốp và máy kéo chuyên dùng bánh xích).
A Hoàng