• Ông Nguyễn Thành Tiến thương binh hạng 4/4 ở ấp 4, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang chăm sóc vườn trầu của gia đình.*
    Thương binh Nguyễn Thành Tiến ở ấp 4, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy là ví dụ điển hình. Có đất nhưng lại thiếu vốn nên ông phải vay vốn với lãi suất cao của các tổ chức tín dụng để đầu tư sản xuất. Vì thế, lợi nhuận mang lại cho ông không nhiều. Khi biết có nguồn vốn từ chương trình tín dụng dành cho NCC với cách mạng, ông vay 20 triệu đồng đầu tư nuôi cá tra, ba ba và cải tạo đất trồng trầu. Sau một năm, từ ba ba, cá tra và bán lá trầu, gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng.

Hay gia đình bà Nguyễn Thị Khen, ở ấp Mỹ Chánh, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, năm 2017 đã vay 25 triệu đồng từ tín dụng dành cho NCC. Số tiền này được đầu tư vào cải tạo vườn tạp và trồng 500 gốc mãng cầu xiêm. Bà Khen chia sẻ: “Vụ Tết vừa rồi, gia đình tôi thu hoạch lứa mãng cầu đầu tiên. Hiện tại cây mãng cầu xiêm đang phát triển tốt, hứa hẹn mùa bội thu. Chương trình cho vay này thật sự thiết thực với những người có hoàn cảnh như chúng tôi”.

Sau khi vay vốn, các gia đình NCC đã sử dụng đúng mục đích, đầu tư vào những mô hình làm ăn hiệu quả, như: Cải tạo, chăm sóc vườn, chăn nuôi, trồng hoa màu, buôn bán nhỏ... và trả nợ đúng kỳ hạn. Hiện nay, huyện Vị Thủy và Phụng Hiệp có số lượng gia đình NCC được vay tiền theo chương trình nhiều nhất.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, so với nhu cầu vay vốn của các hộ thì nguồn vốn cho vay hiện vẫn còn hạn chế so với nhu cầu. Theo thống kê từ Ngân hàng CSXH chi nhánh Hậu Giang, hiện nay mới có 322/8.000 hộ NCC được vay vốn với số tiền hơn 9,2 tỷ đồng.

Đề cập đến vấn đề này, bà Hồ Thu Ánh - Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Để NCC với cách mạng được tiếp cận nguồn vốn vay, sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên rà soát và có số liệu đầy đủ, chính xác về số hộ, nhu cầu vay, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét. Bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác thường xuyên kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình cho vay đối với gia đình NCC, nhằm ngăn chặn ngay từ đầu những sai sót và những biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra”.

Có thể khẳng định, nguồn vốn chính sách là động lực và tiền đề giúp NCC phát triển kinh tế, đồng thời thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với NCC với cách mạng, do đó, cần tiếp tục phát huy hiệu quả của chính sách này trong thời gian tới.

THÚY AN