Người lao động làm thủ tục BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một loại bảo hiểm xã hội hỗ trợ người lao động trong trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động với đơn vị sử dụng lao động, hoặc người lao động bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN. Nhờ có các chính sách hỗ trợ mà rất nhiều người lao động đã vượt quá khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, từ đó góp phần giúp ổn định thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên hiện nay, chính sách BHTN còn một số quy định về hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa hợp lý, gây thiệt thòi cho người lao động, xuất hiện tình trạng trục lợi BHTN.
Khoản 4, Điều 3 Luật Việc làm năm 2013 nêu rõ, chế độ BHTN là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề và tìm việc làm mới. Luật quy định người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; giao kết các loại hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc có thời hạn từ 3 tháng trở lên với người sử dụng lao động mới là đối tượng của BHTN. Trong khi, thị trường lao động hiện có nhiều người lao động làm việc có giao kết hợp đồng lao động dưới 3 tháng, thời hạn đứt quãng hoặc theo thỏa thuận, không có hợp đồng chính thức…
Theo Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 và Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, một trong những điều kiện hưởng BHTN là người lao động có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đã đóng BHTN. Trong khi đó, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang nợ đọng BHXH hoặc phá sản khiến không ít người lao động mất việc, không được trả lương và hưởng trợ cấp thất nghiệp do không đáp ứng điều kiện hưởng BHTN là người đang đóng BHTN.
Pháp luật về BHTN quy định mức đóng BHTN dựa trên mức tiền lương, tiền công hằng tháng theo hợp đồng lao động. Nhưng quy định này còn lỏng lẻo, dẫn đến nhiều trường hợp sử dụng người lao động và người lao động thỏa thuận kê khai mức đóng BHTN thấp hơn mức thực tế.
BHTN hoạt động theo nguyên tắc chia sẻ, ai đi làm cũng đóng nhưng chỉ người bị mất việc mới được hưởng, giúp chia sẻ gánh nặng tài chính cho người lao động thất nghiệp trong lúc chưa tìm được việc làm. Tuy nhiên, vì điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp rộng rãi nên xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách này để hưởng lợi.
Mức đóng BHTN được quy định: NLĐ đóng bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1%; nhà nước hỗ trợ tối đa 1%. Như vậy, nếu lao động vừa đóng BHTN đủ 12 tháng bị thất nghiệp, chỉ phải đóng 12% lương của một năm, nhưng sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 3 tháng, mỗi tháng bằng 60% lương tháng (3 tháng là 180%). Do đó, một số người lao động có suy nghĩ cứ đóng đủ 12 tháng là nghỉ để hưởng BHTN sẽ có lợi hơn. Trong thời gian hưởng BHTN họ xin làm việc thời vụ (không ký hợp đồng lao động, không đóng BHXH, BHYT, BHTN) vừa có lương vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, người lao động chỉ cần đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật là đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, tình trạng trên rất khó ngăn chặn vì người lao động vẫn làm đúng quy định.
Tình trạng này không chỉ gây hại cho quỹ BHTN mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thống kê thông tin thị trường lao động. Bởi trong số liệu thất nghiệp được các trung tâm dịch vụ việc làm thống kê chắc chắn có một số không nhỏ là những người lao động “thích... thất nghiệp”, chủ động nghỉ việc để hưởng trợ cấp.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Nếu cố tình trục lợi từ quỹ BHTN bị phát hiện, thì người lao động sẽ bị thu hồi toàn bộ số tiền đã hưởng sai đó; bị xử phạt hành chính; và người lao động sẽ không được bảo lưu toàn bộ thời gian hưởng bảo hiểm. Đặc biệt hơn nữa là khi người lao động định thanh toán, định hưởng một chế độ bảo hiểm nào đó thì người lao động sẽ không được hưởng ngay, được xử lý ngay. Phải giải quyết toàn bộ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định. Phải làm thủ tục giấy tờ, phải hoàn tiền lại cho Nhà nước thì mới được giải quyết các chế độ chính sách bảo hiểm tiếp theo”.
Để phát huy vai trò của BHTN và hạn chế những bất cập trong thời gian tới, cần hoàn thiện chính sách BHTN theo hướng mở rộng diện bao phủ tham gia, nhất là người lao động trong khu vực phi chính thức, bổ sung các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong suốt quá trình tham gia BHTN để chính sách BHTN thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.
Hồ Thanh Hương