Nguồn: Bộ LĐTBXH
Bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và khối doanh nghiệp đã dẫn đến tình trạng thiếu việc làm trong lực lượng lao động nước ta. Theo Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết: Trong năm 2023, số lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.104.217 người, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022 (983.810 người); số lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.068.477 người, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022 (975.333 người); tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 2.355.621 lượt người, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022 (2.225.758 lượt người).
Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi thôi việc, mất việc làm được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kế trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp và tối đa không quá 12 tháng.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân của người lao động cả nước hiện nay là 3,5 triệu đồng/người/tháng. Địa phương có người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp ở mức hưởng cao là T.P Hồ Chí Minh 5,8 triệu đồng/người/tháng.
Người lao động sau khi mất việc được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và được hỗ trợ vay vốn ưu đãi tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm. Ngoài ra, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Cơ quan bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Tháng 11-2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 181/NQ-CP về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng CSXH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP để bổ sung tối đa 15.500 tỷ đồng cho chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đảm bảo tổng dư nợ các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Điểm nhấn chính sách quan trọng trong năm 2023 là việc xây dựng hồ sơ Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đã được hoàn thiện. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu với dự án Luật Việc làm (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV vào tháng 10-2024 tới. Ngoài ra, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (bổ sung quy định về việc thực hiện quy trình thanh quyết toán các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp) cũng như Thông tư ban hành về định mức kinh tế - kỹ thuật và giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Cùng với các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, vay vốn tạo việc làm, người lao động còn được hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề. Cụ thể, thực hiện các đề án, chương trình mục tiêu về đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, các bộ, ngành, địa phương đang tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động. Thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng, mức hỗ trợ tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa (đối với khóa đào tạo đến 3 tháng), không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng (đối với khóa đào tạo hơn 3 tháng).
Các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, giảm phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp; tư vấn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người lao động, từ đó giúp người lao động hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Để ngăn chặn xu hướng gia tăng người lao động nhận Bảo hiểm xã hội một lần, chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động thông qua vai trò chủ động và thụ động nhằm rút ngắn thời gian thất nghiệp của người lao động, thời gian tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, giảm thiệt hại cho xã hội do việc làm trống không có người đảm nhận hoặc lao động không được sử dụng vì không có việc làm, hoặc không có kỹ năng cần thiết để đảm nhận vị trí việc làm, giúp thị trường lao động vận hành hiệu quả hơn.
Hồ Thanh Hương